Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm (Hà Nội) có 1.644 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh của 30 doanh nghiệp, đơn vị tham gia.
Ngày 25/5, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Gia Lâm (số 6, đường Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm năm 2024”.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Năm 2024, để đảm bảo được các mục tiêu đề ra, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 100.335 lao động, đạt 60,8% kế hoạch năm.
Gia Lâm với lợi thế là huyện cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, có nhiều tuyến giao thông quan trọng, tốc độ đô thị hóa cao. Huyện cũng đã đạt được hầu hết các tiêu chí quan trọng để trở thành Quận theo chủ trương của Thành phố. Gia Lâm cũng là địa phương có hệ thống làng nghề phát triển như gốm sứ, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm, buôn bán cây giống ăn quả ngắn ngày và lâu năm, cơ kim khí và các khu, cụm công nghiệp… góp phần thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
“Trong những năm qua, các chỉ tiêu lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn huyện đã được Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Nhờ vậy, các chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm đều được hoàn thành. Năm 2023, huyện Gia Lâm giải quyết việc làm cho 9.210 lượt người, đạt 111,6% kế hoạch giao. Từ năm 2020 huyện không còn hộ nghèo và từ năm 2023 huyện không còn hộ cận nghèo”, ông Nguyễn Tây Nam cho biết.
Việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động Gia Lâm là một trong những giải pháp để thúc đấy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn huyện và khu vực lân cận. Phiên giao dịch không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp thông tin thị trường lao động và trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức cơ bản khi tiếp cận thị trường lao động.
Phiên giao dịch cũng là động lực quan trọng để Sàn giao dịch việc làm vệ tinh Gia Lâm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối giới thiệu, tư vấn việc làm, kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động cho Thành phố và Huyện.
Theo Ban tổ chức, có tổng số 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên này, cung cấp 1.644 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động. Trong tổng số 30 doanh nghiệp tham gia, có 17 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 56,7%. Ngoài ra, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Du học – xuất khẩu lao động, sản xuất, may…
Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm năm 2024 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương, tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống.
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng – đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 42%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ 35,3%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 22,7%.
Xét theo mức thu nhập, mức từ 15 triệu đồng trở lên, chiếm 18,4% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, chiếm 25,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng…
Chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 29,6% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng, dành cho các vị trí việc làm như: Nhân viên văn phòng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên chăm sóc khách hàng, các vị trí lao động phổ thông có tay nghề…
Các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng, chiếm 13,1% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho các vị trí việc làm thời vụ – bán thời gian hoặc dành cho các sinh viên mới ra trường, người lao động phổ thông ở các vị trí công việc tập sự, đơn giản chưa yêu cầu chuyên môn cao. Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn, vị trí công việc…, bảo đảm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm tập trung chủ yếu vào nhóm 18 – 25 tuổi chiếm 47,6% và nhóm tuổi 26 – 35 tuổi chiếm 31,7%. Còn lại là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, tại phiên này có gần 200 chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động tại Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…, mang đến nhiều lựa chọn công việc, học nghề cho người lao động tại địa phương.
XL