Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp với đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam. Đáng chú ý, trong khi mức thuế chống trợ cấp tạm thời chỉ 5,48%, có 5 công ty không hợp tác phải chịu thuế lên đến 237,65%.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 25/6/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp với đĩa giấy (thuộc các mã HS 4823.69.0040 hoặc mã 4823.61.0040 và có thể được đóng gói kèm sản phẩm khác theo mã HS 9505.90.4000 và 9505.90.6000) nhập khẩu từ Việt Nam.
Cáo buộc biên độ phá giá lên đến 165,27%
Vụ việc này đã được DOC khởi xướng điều tra từ ngày 14/2/2024 theo yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất đĩa giấy Hoa Kỳ. Theo đơn kiện của nguyên đơn, trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023, lượng nhập khẩu sản phẩm bị cáo buộc (theo mã HS 4823.69.00.40) từ Việt Nam vào Hoa Kỳ là khoảng 3.240 tấn, chiếm khoảng 4,02% tổng lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ (trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 73,98% và Thái Lan chiếm khoảng 2,82%).
Số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cho thấy, Việt Nam xuất khẩu khoảng 9,3 triệu USD sản phẩm này sang Hoa Kỳ trong năm 2022. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 9 triệu USD (giảm khoảng 3% so với năm trước).
Đối với các mã HS mới được bổ sung, theo số liệu của ITC, năm 2023, Việt Nam không xuất khẩu mã HS 4823.61.00.40 sang Hoa Kỳ nhưng có xuất khẩu mã HS 9505.90.4000 (giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 3,7 triệu USD) và mã HS 9505.90.6000 (giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là 21,4 triệu USD).
Trước đó, DOC đã ban hành Bản câu hỏi về Lượng và Giá trị cho 9 công ty của Việt Nam bị nêu tên trong đơn kiện nhằm thu thập thông tin để lựa chọn bị đơn bắt buộc. Các doanh nghiệp không bị nêu tên nhưng có xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ vẫn có thể trả lời Bản câu hỏi này.
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 1/7-31/12/2023; chống trợ cấp là 1/1-31/12/2023. Thời kỳ điều tra thiệt hại là 3 năm (2021-2023).
Về bán phá giá, mức biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 153,09% – 165,27% (thấp hơn mức cáo buộc với Trung Quốc là 154,57% – 178,80% và cao hơn mức cáo buộc với Thái Lan là 61,03% – 73,17%).
Cáo buộc 22 chương trình trợ cấp
DOC cho rằng Đơn yêu cầu của nguyên đơn đã đủ căn cứ để khởi xướng điều tra với 22 chương trình trợ cấp đã được cáo buộc, gồm các nhóm chương trình sau:
(1) Nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: gồm các chương trình ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp xuất khẩu, cho các doanh nghiệp nằm trong các đặc khu (như khu công nghiệp, khu kinh tế), cho các doanh nghiệp nằm trong địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, cho các nhà đầu tư mới và chương trình khấu hao nhanh;
(2) Nhóm các chương trình miễn thuế nhập khẩu: gồm các chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào khu công nghiệp, miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu nhập khẩu cho doanh nghiệp chế xuất và nằm trong khu chế xuất;
(3) Nhóm các chương trình cho vay và đảm bảo: gồm các chương trình cho vay ưu đãi, bao thanh toán, bảo lãnh xuất khẩu với lãi suất và điều khoản ưu đãi của 04 ngân hàng thương mại cổ phẩn có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV) do các ngân hàng này chịu sự can thiệp của Chính phủ; chương trình tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và các chương trình hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước;
(4) Nhóm các chương trình ưu đãi về đất: gồm các chương trình miễn giảm tiền thuê/thuế hoặc phí thuê đất và mặt nước cho các ngành được khuyến khích, doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu kinh tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
(5) Cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi trong các khu công nghiệp và khu chế xuất: gồm các chương trình cung cấp các tiện ích điện, nước và các tiện ích khác cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu chế xuất với mức giá ưu đãi;
(6) Chương trình tài trợ: gồm các chương trình tài trợ xúc tiến xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư.
Mức thuế chống trợ cấp lên đến 237,65%
Trong vụ việc này, DOC đã lựa chọn 02 bị đơn bắt buộc. Tuy nhiên, 01 bị đơn bắt buộc đã từ chối tham gia vụ việc nên chỉ còn 01 bị đơn bắt buộc duy nhất trong vụ việc này.
Theo kết luận sơ bộ vừa ban hành, mức thuế chống trợ cấp tạm thời như sau: Công ty bị đơn duy nhất trong vụ việc: 5,48%; 05 công ty không hợp tác (01 công ty bị đơn từ chối tham gia vụ việc và 04 công ty không trả lời câu hỏi Lượng và giá trị): 237,65%, được tính dựa trên dữ liệu sẵn có bất lợi. Các công ty còn lại của Việt Nam: 5,48% theo mức thuế của công ty bị đơn duy nhất.
Căn cứ kết luận sơ bộ này, Cơ quan hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) sẽ yêu cầu đặt cọc đối với các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo mức thuế chống trợ cấp tạm thời nêu trên từ ngày 01/7/2024.
Thời gian tới, DOC dự kiến sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ nhằm xác minh các thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đây là một trong những căn cứ để DOC ban hành kết luận cuối cùng, đưa ra mức thuế chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Các bên liên quan cũng có thể nộp bình luận về vụ việc không muộn hơn 07 ngày sau ngày báo cáo thẩm tra cuối cùng được ban hành. Bản phản biện đối với bình luận của các bên khác được nộp không muộn hơn 05 ngày sau thời hạn nộp bình luận.
Tiếp đó, DOC có thể sẽ tổ chức một Phiên điều trần nếu có đề nghị của các bên và ban hành kết luận cuối cùng (dự kiến vào ngày 05 tháng 11 năm 2024 nếu không gia hạn).
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như gửi bình luận với kết luận sơ bộ của DOC trong trường hợp cần thiết.
Xem Thông báo về kết luận sơ bộ của DOC tại đây.
Huyền My