Vậy mà trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, có biết bao lớp lớp thanh niên đã tình nguyện tạm gác giấc mơ giảng đường – gác bút nghiên, lên đường chiến đấu vì Tổ quốc. Một thế hệ hào hoa ra trận sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, giải phóng dân tộc là phẩm chất Anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam.
Và tôi luôn tự hỏi: Ngày ấy cũng bằng tuổi của các bạn học sinh, sinh viên bây giờ, động lực nào đã khiến lớp lớp thanh niên – cả một thế hệ dám đánh đổi xương máu, mạng sống mình vì Tổ quốc?
Bởi tôi sinh ra và lớn lên khi nước nhà đã hoàn toàn được độc lập tự do. Được sống trong hoà bình, không chứng kiến hay cam chịu những đau thương mất mát của chiến tranh, nên khó mà hiểu và cảm cho sâu sắc được không khí của những năm tháng ấy. Bài học lịch sự, câu chuyện của cha ông, tôi chỉ được biết qua sách báo.
Nhưng càng lớn, trưởng thành, đi nhiều và hiểu biết, tôi càng thấy trân trọng giá trị văn hóa lịch sử của ngày hôm qua và muốn tìm được câu trả lời: Điều gì đã tạo nên hào khí giúp lớp thanh niên ưu tú, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tự nguyện rời vòng tay gia đình, đã đánh đổi ngày mai của chính mình cho ngày mai của dân tộc, tạc lên dáng hình đất nước, của độc lập tự do hôm nay bằng chính máu xương, sinh mạng của tuổi đôi mươi.
Để trả lời cho những thắc mắc của mình, có cơ hội được gặp lại chính thế hệ đã từng “vào sinh ra tử” vì Tổ quốc, dù chỉ là bác thương binh, bệnh binh trở về từ chiến trường, các quân nhân, sĩ quan hay cả một vị Tướng… là tôi lại trò chuyện để tìm được câu trả lời. Điều mà tôi nhận về tựu trung rất đơn giản: mọi thứ xuất phát từ truyền thống văn hóa yêu nước chảy trong huyết quản của mỗi người một cách tự nhiên mà khi nước nhà gặp xâm lăng, tinh thần ấy sẽ tự nhiên tỏa sáng.
Trong “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” có đoạn: “Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình”. Tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa cùng tình yêu đất nước, với niềm tin vào ngày mai chiến thắng.
Lý tưởng cao đẹp của thanh niên Việt Nam thời chiến đã trở thành một thứ niềm tin của cha ông. Những lý tưởng cao đẹp ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành bài học về lý tưởng và trách nhiệm với đất nước cho thế hệ hôm nay một cách tự nhiên mà thấm thía. Bởi vậy tôi luôn tâm niệm rằng: Nếu không có những con người đó thì sao có chúng ta ngày hôm nay. Thế hệ các anh, chị đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, họ đã hiến dâng tuổi xuân, tính mạng cho sự nghiệp cao cả của Tổ quốc, với lý tưởng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và ngã xuống cho ngày mai của dân tộc.
Cô gái đến từ Thủ đô, đại diện của một thế hệ Anh hùng trong Nhật kí Đặng Thùy Trâm từng viết: “Biết bao lần trong giấc mơ, con trở về trong vòng tay êm ấm của mẹ của ba, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội. Ai đó có thể vì tiền tài danh vọng mà ra đi, nhưng với con, ngoài Đảng – chắc không ai khiến con xa nổi gia đình. Con vẫn là một cán bộ vững vàng trong cuộc chiến đấu này. Con đã trưởng thành trong gian khổ. Trước bom đạn con cũng vẫn cười…”.
Tháng 6 lại về, phượng rực đỏ những góc sân khoảng trời như nhắc nhớ đến một thời hoa lửa, về một thế hệ hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu quê hương, gia đình mãnh liệt; một ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc!