Hai bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin tại Trung tâm tiêm chủng Long Châu thì chóng mặt, mệt mỏi và ngất, được sơ cứu sau đó đưa đến bệnh viện điều trị.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM vừa có công văn gửi Bệnh viện Quận 11 và Bệnh viện đa khoa Xuyên Á đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng, theo nguồn tin của Tiền Phong.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân L.T.Q.N (18 tuổi, ngụ Quận 11) đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu (Q.Tân Bình) vào ngày 2/7 và được tiêm 2 mũi vắc xin (Bexsero phòng viêm màng não mô cầu và Twinrix phòng viêm gan A và B).
Bệnh nhân này được tiêm 2 mũi vắc xin cách nhau khoảng 1 phút. Sau khi tiêm mũi 2 loại vắc xin Twinrix khoảng 30 giây, bệnh nhân chóng mặt, mệt và ngất. Sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quận 11 để tiếp tục theo dõi phản vệ độ III sau tiêm vắc xin.
Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân D.C.T (17 tuổi, ở Long An). Bệnh nhân đến Trung tâm tiêm chủng Long Châu ở huyện Củ Chi để tiêm vắc xin Twinrix. Sau tiêm xảy ra tình trạng phản vệ và được xử lý cấp cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á trên địa bàn theo dõi, điều trị. Đến hôm nay, bệnh nhân vẫn còn nằm viện.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, để cung cấp cho hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin, HCDC đề nghị các đơn vị cung cấp thông tin về diễn biến lâm sàng, kết quả cận lâm sàng tại thời điểm nhập viện của bệnh nhân, mô tả chi tiết triệu chứng, chẩn đoán đến thời điểm hiện tại.
Sáng nay, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã có công văn gửi Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu đề nghị công ty cung cấp quá trình tổ chức tiêm chủng; thực hành tiêm chủng, bảo quản vắc xin; quá trình phát hiện và xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng để cung cấp cho hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin xảy ra đối với 2 trường hợp trên.
Cũng trong hôm nay, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi các phòng y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức, yêu cầu báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá hoạt động tiêm chủng 6 tháng đầu năm 2024. Theo Sở Y tế, mặc dù Sở đã có công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá và báo cáo tiến độ định kỳ mỗi tháng, nhưng đến nay một số phòng y tế vẫn chưa có báo cáo định kỳ.
Tính đến ngày 3/7, tại TP.HCM có tổng cộng 683 cơ sở công bố đủ điều kiện tiêm chủng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành y tế thành phố đã rút tên 5 cơ sở do không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn. Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ công bố danh sách các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn tiêm chủng.