UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình về đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.
Đề án nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ và hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững và hài hoà, với mục tiêu đến năm 2035, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%, và sau năm 2035 đạt 60-65%.
Theo đó, thành phố Hà Nội đề xuất đầu tư thành 3 phân kỳ. Trong giai đoạn 2024-2030, sẽ hoàn thành 96,8 km (bao gồm các tuyến số 2, 3 và 5), đồng thời thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho 301 km. Nhu cầu vốn ước tính khoảng 14,6 tỷ USD.
Phân kỳ 2031-2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301km gồm tuyến số 1 (đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên và đoạn Gia Lâm – Dương Xá), tuyến số 2 (đoạn kéo dài đi Sóc Sơn), tuyến số 2A (đoạn kéo dài đi Xuân Mai), tuyến số 3 (đoạn Nhổn – Trôi và kéo dài đi Sơn Tây), tuyến số 4 (Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà, tuyến số 6 (Nội Bài – Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh – Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng – Mai Dịch – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá), tuyến VT (Sơn Tây – Hoà Lạc – Xuân Mai).
Dự kiến, nhu cầu vốn cho phân kỳ trên khoảng 22,57 tỷ USD. Theo đó, tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,17 tỷ USD.
Phân kỳ 2035 – 2045, hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km đường sắt đô thị các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Nhu cầu vốn dự kiến khoảng 18,25 tỷ USD.
Về khả năng cân đối các nguồn vốn, từ nay đến năm 2035, Hà Nội cho biết có thể huy động được khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy trong giai đoạn này, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,61 tỷ USD. Còn giai đoạn sau năm 2035, Hà Nội cho biết có thể chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.
Đường sắt đô thị tại Việt Nam là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển giao thông công cộng ở thành phố lớn như Hà Nội. Đến nay, Hà Nội chỉ mới đưa vào khai thác Tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông).
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động từ ngày 6/11/2021. Sau giai đoạn khởi đầu, trong các năm 2022 và 2023, hiện tại mỗi ngày có trên 35.000 lượt hành khách sử dụng tuyến này làm phương tiện đi lại. Trong số đó, 47% là người đi làm, 45% là học sinh sinh viên, và 8% đi lại với các mục đích khác.
Lượng hành khách sử dụng vé tháng chiếm tỷ lệ bình quân 70% mỗi ngày, trong khi vào giờ cao điểm, tỷ lệ này vượt trên 85%. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc giảm mật độ phương tiện trên hành lang tuyến trong giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.