Mới đây, Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường – Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ban Quản lý Vườn Quốc gia Du Già, Cao Nguyên đá Đồng Văn tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023.
Lễ phát động trong khuôn khổ chương trình “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, lan tỏa lối sống xanh, khỏe mạnh tới đông đảo người dân, đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, chương trình thực hiện tại Vườn Quốc gia Du Già, Cao nguyên đá Đồng Văn, trồng rừng trên diện tích 5ha với những loại cây bản địa là giổi, lim, quế với số lượng trên 10.000 cây.
Bà Lý Thị Chầu, thôn Khuổi Lòa, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Ngày xưa bà con không biết nên đã phá cây rừng, bây giờ được cán bộ Nhà nước tuyên truyền trồng rừng, hưởng lâu dài từ rừng nên bà con nhận thức được ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, bà con rất phấn khởi và hưởng ứng”.
Cùng suy nghĩ như bà Lý Thị Chầu, anh Trương Văn Cảnh, thôn Khuổi Loà, xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê cho biết thêm, việc trồng rừng góp phần đem lại nguồn lợi cho thôn, bản, người dân. “Tôi cảm thấy rất vui và mong rằng sau này đã trồng rừng là sẽ có trách nhiệm bảo vệ rừng càng ngày càng tốt, góp phần làm cho không khí sạch, trong lành cho người dân được hưởng”, anh Cảnh nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, hiện thực hóa sứ mệnh đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và cam kết “Green Impact” (mục tiêu giảm phát thải CO2 vào năm 2050 ở mức hơn 300 triệu tấn, tương đương khoảng 1% tổng lượng phát thải toàn cầu hiện tại) của Tập đoàn Panasonic, “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” là chương trình trồng cây với quy mô lớn tại 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang Bùi Văn Đông, nhiệm vụ bảo vệ rừng là của toàn xã hội, bà con ở vùng sâu, vùng xa đã được các cơ quan chức năng, ngành Kiểm lâm và chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều hình thức tuyên truyền như thông qua các cuộc họp thôn, bản, qua Zalo, Facebook… Việc làm này đã đem lại nhiều hiệu quả, bà con rất hưởng ứng. Đặc biệt là học sinh trong trường học khi nhận được các thông tin về nói lại với ông bà, cha mẹ…, nên nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng ngày càng nâng cao.
Ông Bùi Văn Đông cho biết thêm, cùng với nâng cao nhận thức của người dân, xã hội hóa trồng rừng đã huy động được nhiều nguồn lực để phủ xanh những diện tích rừng nghèo, đặc biệt là những loại cây quý hiếm, những loại bị đã bị mai một. Khi rừng giàu lên thì tính đa dạng sinh học của rừng sẽ tốt lên…
Nam Thái