Với mỗi em nhỏ ở Hà Nội, mùa Trung thu vừa đi qua thật đáng nhớ.
Cũng bởi, các em không chỉ được hòa mình trong những chương trình nghệ thuật đong đầy niềm vui mà còn cùng nghệ sĩ gửi yêu thương đến bao người bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).
Từ “Trăng trẻ thơ”…
Sân khấu thủy đình của Nhà hát Múa rối Việt Nam chật nêm khán giả nhí trong cả 2 suất diễn “Trăng trẻ thơ” – chương trình nghệ thuật đặc biệt ủng hộ trẻ em chịu ảnh hưởng cơn bão số 3, được tổ chức đúng dịp Tết Trung thu.
Các em mừng rỡ đón chú Cuội xuống trần để dẫn dắt rước đèn ông sao qua ca khúc “Rước đèn tháng Tám” của nhạc sĩ Đức Quỳnh, múa lân sư với ca khúc “Đêm Trung thu” của nhạc sĩ Phùng Như Thạch.
Nhất là, các em còn được thưởng thức trích đoạn vua Lê Lợi trả gươm trong vở “Sự tích hồ Hoàn Kiếm” và bước vào thế giới cổ tích qua các tiết mục múa rối nước đặc sắc như: Múa rồng, Ếch xanh mắt tròn; Ngày mùa; Đánh cáo bắt vịt… Suốt buổi diễn không ngớt những tràng pháo tay vang giòn cùng tiếng ồ, à tán thưởng động tác điều khiển con rối khéo léo, điêu luyện của nghệ sĩ.
Và giữa chương trình, tất cả cùng lắng lại. Từ tấm lòng thảo thơm của các cha mẹ, tự tay mỗi khán giả nhí bỏ chút quà nhỏ vào thùng thiện nguyện được nhà hát chuẩn bị sẵn. Những ánh nhìn cùng đong đầy niềm tin vào một ngày mai trời lại sáng trong và tất cả trẻ thơ lại được vui chơi ca hát dưới ánh trăng rằm.
Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, chương trình nghệ thuật “Trăng trẻ thơ” là món quà đong đầy tình nghệ sĩ, tấm lòng khán giả đầy nồng ấm gửi đến các em nhỏ đang phải gánh chịu những mất mát, đau thương do cơn bão số 3 gây ra.
Đây cũng là hành động thiết thực của nhà hát nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.
“Dù được triển khai trong thời gian rất gấp, nhưng được sự đồng lòng, ủng hộ nhiệt tình của tập thể các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên Nhà hát Múa rối Việt Nam, chúng tôi đã cùng nhau làm nên chương trình ý nghĩa này. Chúng tôi rất hạnh phúc là một trong 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được góp sức hỗ trợ cho cộng đồng bằng chính chuyên môn, công sức của mình.
Toàn bộ doanh thu cũng như số tiền khán giả ủng hộ trực tiếp tại 2 buổi biểu diễn được nhà hát gửi tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Đây là một phần trong nỗ lực của Nhà hát Múa rối Việt Nam nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội và sự sẻ chia đến với cộng đồng”, NSND Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
… đến “Trung thu không xa cách”
Đúng như tên gọi: “Trung thu không xa cách”, chương trình nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSND Xuân Bắc và NSND Tự Long thực hiện không chỉ là món quà đón trăng dành cho thiếu nhi gói gọn tại không gian Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Chương trình còn lan tỏa đến mọi vùng miền của Tổ quốc qua livestream trên kênh cá nhân của NSND Xuân Bắc, NSND Tự Long, YAN, Câu chuyện Hà Nội…
“Trung thu không xa cách” là chương trình tạp kỹ gồm nhiều loại hình nghệ thuật cùng trình diễn như: Xiếc, ảo thuật, múa rối, kịch, ca múa nhạc với các màn múa lân sư rồng, rước đèn ông sao… Chương trình không chỉ quy tụ nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật mà có cả sự tham gia của gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu Hà Myo, Câu lạc bộ Sao Tuổi thơ…
Theo NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chương trình được tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch. Theo đó, nghệ sĩ đem lời ca tiếng hát của mình chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần đến với người dân đang gánh chịu hậu quả của cơn bão số 3, đặc biệt là trẻ em.
“Thực ra, sức mạnh lớn nhất của nghệ sĩ biểu diễn là tác phẩm, từ đó truyền cảm hứng sống đẹp, lòng dũng cảm, sự tương thân tương ái… Việc kết nối phụ huynh đưa con mình đến với chương trình trực tiếp hoặc gián tiếp đều “thu hoạch” nhiều giá trị lớn lao.
Trước tiên, các em được thưởng thức nghệ thuật, cùng vui chơi, rước đèn đêm rằm Trung thu. Tiếp đó cùng đóng góp ủng hộ các bạn nhỏ đang phải gánh chịu thiệt thòi do ảnh hưởng cơn bão số 3, qua đó vừa phát huy tinh thần tương thân, tương ái vừa là những bài học bổ ích, thiết thực trong việc giáo dục các em biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người”, NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.
Là nghệ sĩ cùng thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt này, NSND Tự Long chia sẻ thêm: “Chúng tôi muốn các con có chỗ chơi và có phần quà gửi tới các bạn bị thiệt thòi sau cơn bão số 3. Khi đó, các con thêm trân trọng và yêu thương các bạn ở vùng lũ lụt và trân quý giá trị của sự chia sẻ”.
Cùng hướng về đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chỉ đạo các nhà hát trực thuộc Bộ tổ chức những chương trình nghệ thuật đặc biệt, qua đó phát huy sức mạnh của văn hóa để chung tay góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất, hỗ trợ đồng bào để ổn định đời sống. Ngoài “Trăng trẻ thơ”, “Trung thu không xa cách” còn có nhiều chương trình khác được tổ chức dịp này như: “Dạ tiệc đêm Rằm” (Nhà hát Tuổi trẻ), hòa nhạc “Lalo Stravinsky” (Dàn nhạc Giao hương Việt Nam), “Tâm sự quê” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Hà Nội -Những tháng năm” (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam). Các chương trình nghệ thuật thể hiện đạo lý tương thân tương ái, đoàn kết của dân tộc, kêu gọi nhân dân cả nước đồng lòng hướng về hỗ trợ đồng bào và các địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ bão lũ. Tiền quyên góp và một phần tiền bán vé trong quá trình tổ chức gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Bình Thanh