Hôm nay (8/7), giá dầu thế giới tăng bất chấp nguồn cung nới rộng, bỏ qua áp lực từ quyết định tăng sản lượng mạnh tay của OPEC+ và lo ngại thuế quan từ Mỹ.
Thị trường thế giới
Theo Oilprice lúc 4h30 ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mốc 69,14 USD/thùng, tăng 1,14% (tương đương tăng 0,78 USD/thùng). Giá dầu WTI ở mốc 67,54 USD/thùng, tăng 1,56% (tương đương tăng 1,04 USD/thùng).

Giá dầu thế giới tăng trở lại bất chấp việc OPEC+ thông báo sẽ tăng mạnh sản lượng trong tháng 8 và những lo ngại về tác động của các mức thuế mới từ Mỹ. Thị trường vật lý thắt chặt đã hỗ trợ đà phục hồi của giá dầu, giúp giá không bị ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định tăng nguồn cung.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác trong liên minh OPEC+ đã nhất trí nâng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8, cao hơn mức tăng 411.000 thùng/ngày được duy trì trong ba tháng trước đó.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định: “Thị trường dầu hiện vẫn trong trạng thái thiếu hụt, điều này cho thấy có thể hấp thụ thêm lượng cung mới”. Theo các chuyên gia của RBC Capital do bà Helima Croft dẫn đầu, quyết định mới của OPEC+ sẽ đưa gần 80% trong tổng số 2,2 triệu thùng/ngày mức cắt giảm tự nguyện của 8 quốc gia thành viên quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng lượng dầu thực tế được bơm thêm trong thời gian qua vẫn thấp hơn kế hoạch, và phần lớn đến từ Ả Rập Xê Út.
Giá dầu cũng chịu áp lực từ những thông tin mập mờ liên quan đến kế hoạch áp thuế của Mỹ. Dù các quan chức Mỹ cho biết có thể trì hoãn thời điểm áp dụng mức thuế cao hơn, họ chưa đưa ra chi tiết cụ thể về mức thuế sẽ áp. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại rằng các biện pháp thuế mới có thể làm chậm lại hoạt động kinh tế và kéo giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
“Nỗi lo về chính sách thuế của ông Trump tiếp tục là chủ đề bao trùm trong nửa cuối năm 2025, và hiện tại, yếu tố duy nhất hỗ trợ cho giá dầu là sự suy yếu của đồng USD”, chuyên gia Priyanka Sachdeva từ công ty Phillip Nova nhận định.
Thị trường trong nước
Từ 15h ngày 3/7, giá xăng, dầu trong nước cùng giảm 930-1.210 đồng/lít, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính.
Cụ thể, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) giảm 1.210 đồng, xuống 19.900 đồng một lít. E5 RON 92 cũng hạ 1.090 đồng, còn 19.440 đồng. Sau điều chỉnh, giá xăng bán lẻ trong nước về ngang mức đầu tháng 6.
Các mặt hàng dầu giảm 930-1.150 đồng một lít. So với cách đây 7 ngày, dầu diesel bớt 940 đồng, xuống 18.400 đồng mỗi lít. Dầu hỏa và mazut lần lượt có giá mới 18.130 và 15.800 đồng.
Như vậy, giá xăng RON 95 trong nước đã giảm 2 phiên liên tiếp sau 5 phiên tăng. Hiện tại, giá nhiên liệu này đang ở mức thấp trong 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 15 lần, giảm 13 lần. Dầu diesel có 14 lần tăng, 13 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Cũng theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8; Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); dự trữ dầu thô của Mỹ tăng; xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá là: 77,826 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 79,622 USD/thùng xăng RON95; 84,578 USD/thùng dầu hỏa; 86,932 USD/thùng dầu diesel 0,05S; 420,764 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S.
Từ 1/7, thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu giảm 2%, từ 10% về 8%, theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm duy trì mức thấp hơn cùng thời điểm 2024 và các năm trước. Việc này góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát lạm phát.