Hôm nay (8/4), giá dầu thế giới tiếp đà lao dốc do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế quan sâu rộng và quyết định tăng sản lượng bất ngờ của OPEC+. Cụ thể, giá dầu WTI ở mốc 61,38 USD/thùng, giảm 0,26%, giá dầu Brent ở mốc 64,76 USD/thùng, giảm 1,16%.

Theo Oilprice lúc 4h ngày 8/4/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 61,38 USD/thùng, giảm 0,26% (tương đương giảm 0,16 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 64,76 USD/thùng, giảm 1,16% (tương đương giảm 0,76 USD/thùng).
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 7/4), giá dầu giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm do lo ngại mức thuế thương mại mới nhất của Mỹ có thể đẩy nền kinh tế trên toàn thế giới vào suy thoái và làm giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Giá dầu Brent giảm 1,37 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 64,21 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,29 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 60,7 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn kể từ tháng 4/2021, nới dài mức giảm gần 11% trong tuần trước.
Đối với thị trường dầu mỏ, và đối với hai nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới – Saudi Arabia và Nga – mức độ khốc liệt của “cơn bão” sẽ phụ thuộc vào ba biến số khác nhau: nhận định về tăng trưởng toàn cầu do chiến tranh thương mại, các quyết định tương lai của OPEC+.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8/4/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 3/4 của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 341 đồng/lít, lên mức 20.373 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 495 đồng/lít, lên mức 20.919 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel 0.05S tăng 261 đồng/lít, lên mức 18.478 đồng/lít; dầu hỏa tăng 211 đồng/lít, ở mức 18.735 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 124 đồng/kg, lên mức 17.026 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này liên Bộ Tài chính – Công Thương không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.
Như vậy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 14 phiên điều chỉnh, trong đó có 5 phiên giảm, 6 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.