Dù gia đình còn khó khăn, nhưng 3 mẹ con bà Hồ Thị Lan, người Vân Kiều (Quảng Trị) vẫn tự nguyện hiến đất để xây dựng trường.
Dù gia đình còn khó khăn, nhưng 3 mẹ con bà Hồ Thị Lan, người Vân Kiều (trú ở bản Chùa, Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) vẫn tự nguyện hiến đất để xây dựng trường, phục vụ việc học tập của con em trong bản.
Mẹ và con cùng góp sức
Bước vào năm học 2024 – 2025, nghe tin điểm trường mầm non Bản Chùa (Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Cam Tuyền) sẽ được đầu tư nâng cấp mở rộng, khiến cô và trò đều vui mừng. Trong niềm vui ấy, có sự đóng góp rất ý nghĩa của gia đình bà Hồ Thị Lan và các con kể từ khi xây dựng điểm trường đến hôm nay.
Cách xa trung tâm xã Cam Tuyền, đường giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nên điểm trường này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với con em bản Chùa. Đặc biệt, đây là nơi có cộng đồng người Vân Kiều sinh sống, cũng là bản dân tộc thiểu số duy nhất tại huyện Cam Lộ.
Ông Trần Kim Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Cam Tuyền cho biết, trước đây khi có chủ trương xây dựng điểm trường mầm non ở bản Chùa, người dân đều rất đồng tình, phấn khởi vì con em sẽ được đến lớp, có cô giáo chăm sóc. Thế nhưng, việc chọn được quỹ đất phù hợp để xây dựng điểm trường luôn là “bài toán” khó.
Bởi, điểm trường cần đặt ở vị trí trung tâm của bản, có địa hình cao để tránh ngập lụt, dân cư đi lại thuận tiện. Sau khi tiến hành khảo sát, chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQVN xã phối hợp nhà trường tuyên truyền, vận động, gia đình ông Hồ Văn Phong và bà Hồ Thị Lan tự nguyện hiến 260m2 đất vườn để xây dựng điểm trường mầm non Bản Chùa.
“Khi cán bộ chính quyền, Ủy ban MTTQVN xã đặt vấn đề, tuyên truyền giải thích, vợ chồng bà Lan đã đồng thuận hiến đất xây dựng trường. Nếu không có điểm trường này chắc chắn nhiều con em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo không có nơi để học tập”, ông Chiến cho hay.
Bà Hồ Thị Lan cho biết, thấy con cháu phải đi học xa, học chung với điểm trường tiểu học nên rất khó khăn. Hơn nữa, vào mùa mưa, đường sá, phương tiện đi lại khó khăn. Nhiều cháu do bố mẹ đi làm rừng từ sáng sớm đến tối mới về, không có người đưa đón phải ở nhà, nên rất thiệt thòi. Khi chính quyền có chủ trương xây dựng trường, nhưng chưa có đất, gia đình bà sẵn sàng hiến đất để xây trường, giúp các cháu trong bản được học tập tốt hơn.
“Nhà nước cần đất xây trường học thì mình hiến để con cháu có chỗ học hành tốt hơn. Hàng ngày, thấy mấy cháu trong bản có chỗ vui chơi, ca hát, học tập, vợ chồng mình rất vui”, bà Hồ Thị Lan bộc bạch.
Đến nay, khi nhà trường cần thêm đất để mở rộng điểm trường, vợ chồng bà Lan cũng tiên phong động viên, thuyết phục con cái tiếp tục nhường đất để nâng cấp mở rộng. “Để giúp các cháu có môi trường học tập thoáng mát, rộng rãi hơn, được học “con chữ Bác Hồ” cũng là niềm vui, niềm động viên với vợ chồng tôi. Mình nhường đi một phần đất canh tác, nhưng tương lai của con trẻ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, đó mới là điều ý nghĩa”, ông Hồ Văn Phong chia sẻ.
Hiện ở bản Chùa có khoảng 100 hộ dân, với gần 400 nhân khẩu. Trong bản có một điểm trường mầm non, nhưng chỉ có 1 phòng học. Năm học 2023 – 2024 có 35 học sinh trong độ tuổi từ 3 – 5, nên phải tổ chức học ghép.
Nâng cấp để dạy học tốt hơn
Trường Mầm non Hoa Phượng nằm trên địa bàn xã miền núi Cam Tuyền, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2020. Trường Mầm non Hoa Phượng có 4 điểm trường. Ngoài điểm trường ở trung tâm xã còn có thêm 3 điểm khác ở các thôn Ba Thung, Tân Hòa và Bản Chùa. Trong đó, điểm trường Bản Chùa nằm ở địa bàn có điều kiện khó khăn nhất, 100% là người đồng bào Vân Kiều.
Điểm trường Bản Chùa có 1 phòng học cấp 4 chưa kiên cố, được xây dựng từ lâu, diện tích 30m2. Qua nhiều năm sử dụng, đến nay lớp học đã xuống cấp, bị thấm dột, hệ thống la phông trần nhà, cửa lớp đã xuống cấp, sân chơi hư hỏng. Cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn khi tổ chức các hoạt động cho trẻ trong mùa mưa lũ cũng như khi có thiên tai.
Trước thực tế nói trên, chính quyền địa phương muốn mở rộng thêm phòng học và công trình phụ nhưng không đủ diện tích đất xây dựng. Thấy vậy, hai người con của bà Lan là chị Hồ Thị Hồng và anh Hồ Văn Trình đã tự nguyện hiến thêm 150m2 đất vườn liền kề ngôi trường cũ để xây dựng, mở rộng trường mới.
“Dù biết hiện nay đất đai có giá trị hơn, nhưng ngôi trường này trước đây bố mẹ chúng tôi hiến đất để xây dựng. Đó cũng là tâm huyết của bố mẹ nhằm giúp các cháu có nơi học tập nên 2 chị em cũng bàn bạc với gia đình, thống nhất hiến tiếp mảnh đất này để có ngôi trường mới đẹp hơn. Ngôi trường được xây dựng khang trang thì con cháu mình có điều kiện học tập tốt, tương lai phát triển hơn”, anh Trình chia sẻ.
Đánh giá cao tấm lòng cũng như trách nhiệm của gia đình bà Lan với sự phát triển giáo dục, cô giáo Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng cho rằng, việc gia đình đồng thuận hiến đất để xây dựng điểm trường là nghĩa cử rất cao đẹp, đáng khích lệ.
“Bà con địa phương đã dành sự ưu ái cho giáo dục mầm non. Trong đó, 3 mẹ con bà Lan có tinh thần rất cao, với mong muốn cho con em được đến trường học chữ nên đã nhiều lần hiến đất. Có điểm trường mới khang trang sẽ tạo điều kiện thuận hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ bảo đảm hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, cô Phượng cho hay.
Trong khi chờ điểm trường Bản Chùa triển khai xây dựng hoàn thiện, nhà trường phải mượn phòng ở nhà sinh hoạt cộng đồng Bản Chùa để tổ chức dạy học cho trẻ. Tại đây, có 2 giáo viên và 1 cấp dưỡng đảm nhận việc dạy và chăm sóc trẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều cho biết, hiện lớp có 36 cháu ở nhiều độ tuổi nên việc chăm sóc khó khăn. Hơn nữa, do phải học ghép nên sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động dạy học. “Khi điểm trường mới được nâng cấp, xây dựng hoàn thành sẽ có đủ 2 phòng để dạy và chăm sóc trẻ. Việc triển khai các hoạt động dạy học sẽ trở nên thuận tiện hơn”, cô Kiều cho hay.
Gia đình chị Hồ Thị Hồng và anh Hồ Văn Trình đều thuộc diện hộ cận nghèo, hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng vì sự phát triển của bản làng, cả hai gia đình đã không ngần ngại hy sinh quyền lợi cá nhân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Cam Tuyền đánh giá, chị Hồng và anh Trình là hai tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất, hiến cây để xây dựng các công trình phúc lợi ở Bản Chùa trong thời gian qua. Ủy ban MTTQVN xã biểu dương tinh thần trách nhiệm, ý thức vì cộng đồng của 2 hộ nói trên. Đồng thời, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời khen thưởng, động viên nhằm nhân rộng việc làm ý nghĩa này.
Mới đây, UBND huyện Cam Lộ đã quyết định tặng giấy khen cho 2 gia đình vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến đất, hiến cây để mở rộng khuôn viên trường học trên địa bàn xã Cam Tuyền.
Điểm trường mầm non Bản Chùa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) được một tổ chức hỗ trợ nâng cấp và xây dựng mới 1 phòng học và các hạng mục phụ trợ. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1,160 tỷ đồng, đơn vị hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện. Sau khi hoàn thành, điểm trường Bản Chùa sẽ trở nên khang trang hơn. Trẻ mầm non nơi đây cũng được chăm sóc, học tập trong điều kiện tốt hơn.
Đăng Đức