Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, trả lời câu hỏi về giá chung cư tại sao tăng cao? Đại diện Bộ Xây dựng trả lời có yếu tố thổi giá, nâng giá.
Một chính sách nhân văn về phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ làm cho những người thu nhập khá, trung bình, thậm chí thu nhập thấp ở Hà Nội phấn khởi vì “chịu khó” tích góp, vay mượn kiểu gì cũng có căn hộ làm chỗ an cư. Nhưng đến nay, thị trường nhà ở, chung cư giá cả liên tục tăng quá cao khiến cho nhiều người lao động ngày càng trăn trở.
Với mức giá từ 70 triệu đến 100 triệu đồng/m2 trong các quận nội đô, có nằm mơ người lao động cũng không bao giờ nghĩ đến sẽ có ngày mua được căn hộ để an cư. Một mặt giá cực kỳ vô lý.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, trả lời câu hỏi về giá chung cư tại sao tăng cao? Đại diện Bộ Xây dựng trả lời có yếu tố thổi giá, nâng giá.
Vấn đề mà người lao động đặt ra, khi bộ quản lý chuyên ngành đã khẳng định như vậy thì đã có giải pháp, cơ chế nào được triển khai nhằm xử lý vấn đề?
Phải chăng đã đến lúc các cơ quan chức năng có đề xuất Chính phủ lập đoàn thanh, kiểm tra “truy” bằng được doanh nghiệp, sàn bất động sản nào thổi giá, nâng giá làm ảnh hưởng đến mặt chung, để từ đó chấn chỉnh, đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh dựa trên nguyên lý: Nhà đầu tư có lời, người dân cũng dễ dàng tiếp cận.
Vậy nhưng, khi cơn đau đầu về giá nhà chưa qua, nhiều lao động đang lập nghiệp ở Hà Nội (cũng như ở nhiều đô thị khác) vốn vẫn bộn bề trăn trở làm sao để có chốn an cư thì lại phải thêm lo lắng vì giá điện. Ngày 11/10, giá điện bán lẻ chính thức tăng 4,8% lên hơn 2.100 đồng/kWh.
Người lao động băn khoăn, khi giá điện tăng chắc chắn sẽ kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác tăng theo như nước, giá gửi xe, thậm chí cả giá thuê nhà. Một mặt bằng giá mới có thể sẽ sớm thiết lập!?
Nhìn vào tốc độ độ tăng trưởng kinh tế thời gian qua có thể nói chúng ta đã thu được những kết quả toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tăng lên rõ rệt. Song, cũng không thể phủ nhận tình hình giá cả đang có xu hướng leo thang. Hiện tại, giá vàng đang ở mức cao bất thường, trong khi tỉ giá ngoại tệ cũng neo ở mức cao. Hàng hóa tiêu dùng cũng vì thế mà biến động theo ở mức cao. Đơn giản như một cốc trà đá vỉa hè bây giờ giá cũng không thấp hơn 5.000 đồng.
Giá cả hàng hóa thị trường tăng cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, nhất là công nhân lao động lại gặp khó khăn, khi thu nhập không theo kịp tốc độ tăng giá của hàng hóa. Dài hơi hơn, khi giá chung cư tăng, giá điện, giá xăng cũng luôn giữ đà tăng sẽ là áp lực rất lớn với người lao động. Không chỉ là chuyện “cơm áo gạo tiền” hằng ngày, mà cả giấc mơ, ít nhất là với những công nhân lao động đang sinh sống tại Hà Nội, tìm một “chốn an cư” với họ có lẽ cũng ngày càng xa vời.
H.Lê