Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước phục hồi, tăng 700-800 đồng/kg tùy vùng trồng, bất chấp giá thế giới tiếp tục giảm. Nông dân mạnh dạn trồng mới cà phê cho mùa vụ mới, nhu cầu về cây giống tăng cao nhưng nguồn cung không theo kịp đang đẩy giá bán tăng đột biến.
Giá cà phê hôm nay ngày 27/7/2024 tại thị trường trong nước
Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên phục hồi, tăng 700-800 đồng/kg tùy vùng trồng, bất chấp giá thế giới chưa thể lấy lại đà ổn định và tiếp tục giảm. Qua đó đưa mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 125.200 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên. Cụ thể:
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk tăng 800 đồng/kg, lên mức 125.300 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng cũng tăng 800 đồng/kg, đạt 124.800 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng ít hơn ở mức 700 đồng/kg, đạt 125.200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 800 đồng/kg, đạt 125.500 đồng/kg, vẫn là giá thu mua cà phê cao nhất tại khu vực Tây Nguyên hôm nay.
Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Mới đây nhất, các hàng tiêu dùng lớn bao gồm Nestle, Mars Wrigley và Ferrero đã ủng hộ Liên minh Châu Âu (EU) trong việc áp dụng các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng trong đó có cà phê. Điều này đang tác động đến hoạt động thu mua cà phê, nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước khi EUDR chính thức được áp dụng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 308.124 tấn cà phê trong quý II/2024, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước, song kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,26 tỷ USD, tăng 8,5% nhờ giá bán tăng cao.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam quý II vừa qua đạt 4.103 USD/tấn, tăng 24,7% so với quý I và tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 6, giá mặt hàng này đạt kỷ lục 4.593 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 71,2% (hơn 1.900 USD/ tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, giá cà phê nội địa đã giảm khoảng 10% trong quý II do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Tuy nhiên, sang tháng 7, giá cà phê đã nhanh chóng phục hồi 7%, và được dự báo sẽ giữ đà tăng trong bối cảnh thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng tới năng suất cây cà phê, từ đó kéo dài thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đáng chú ý, giá cà phê liên tục ở mức cao khiến nông dân mạnh dạn trồng mới cà phê cho mùa vụ mới.
Tiến sĩ Phan Việt Hà – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, nhu cầu trồng, tái canh, xen canh cà phê của nông dân hiện tăng cao do giá cà phê cao kỷ lục. Năm nay, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat của Viện – đơn vị chuyên cung cấp hạt giống, cây giống cà phê cho toàn quốc – đã cung ứng hơn 1 triệu cây cà phê giống, trên 5 tấn hạt cà phê giống nhưng cũng không đủ nguồn cung ứng cho thị trường.
Dù nhu cầu người dân cao nhưng phía Viện quán triệt không tăng giá cây giống để tạo điều kiện cho bà con nông dân, giá của giống cà phê đều được niêm yết công khai trên trang web của Viện.
Tuy nhiên, tại các vựa bán cây giống cà phê bên ngoài, nhu cầu về giống tăng cao nhưng nguồn cung không theo kịp đang đẩy giá bán tăng đột biến.
Giá cây giống cà phê bán ra tại nhiều vựa ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng mạnh, với cà ghép phổ biến 15.000 – 23.000 đồng/cây và giống thực sinh (trồng từ hạt) từ 5.500 – 9.000 đồng/cây tùy loại, tăng 70 – 80% so với năm ngoái, thậm chí giống cà ghép có loại tăng gấp đôi. Dù có rất nhiều điểm cung cấp cây giống với các loại giống như TR4, Thiện Trường, Xanh Lùn… nhưng nhiều thời điểm cung không đủ cầu.
Nhu cầu tăng cao nên gần như lượng giống ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí nhà vườn mua số lượng lớn bắt buộc phải đặt cọc trước và đợi trong nhiều tuần.
Giá cà phê hôm nay ngày 27/7/2024 tại thị trường thế giới
Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới hôm nay chưa dứt chuỗi ngày giảm liên tục khi tồn kho trên sàn tăng và thông tin về nguồn cung tại các quốc gia được cải thiện. Cụ thể:
Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 giảm 1,93%, đạt 4.310 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 giảm 1,81%, về mức 230,45 US cent/lb.
Tại Brazil, tính đến ngày 17/7, việc thu hoạch đã đạt 74% tổng sản lượng cà phê của vụ mùa 2024/2025, cao hơn nhiều so với mức 66% cùng kỳ năm trước và cao hơn mức trung bình 70% của 5 năm gần đây.
Thời tiết thuận lợi, khô ráo đã giúp nông dân Brazil tăng tốc độ thu hoạch, hướng đến mục tiêu hoàn thành sớm hơn dự kiến. Quá trình thu hoạch thuận lợi giúp tăng nguồn cung, tạo thêm áp lực lên thị trường cà phê, cùng với đó là dự đoán xuất khẩu cà phê trong tháng 7/2024 sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Tại Columbia, điều kiện thời tiết thuận lợi cũng giúp sản lượng cà phê của Colombia trong niên vụ 2023/2024 phục hồi tích cực, ước tính tăng 18% so với niên vụ trước lên 12,5 triệu bao, qua đó thúc đẩy xuất khẩu.
Tại Uganda, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 6/2024 đạt 162,36 triệu USD với 667.037 bao 60kg được bán ra, tăng 79,14% về lượng và 18,24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 4,06 USD/kg, cao hơn 35 cents so với mức 3,27 USD/kg ghi nhận hồi tháng 5, và cao hơn 1,38 USD so với mức 2,68 USD/kg cùng kỳ năm 2023.
Uganda kỳ vọng xuất khẩu cà phê trong tháng 7/2024 sẽ đạt khoảng 650.000 bao, khi việc thu hoạch vụ mùa chính ở khu vực phía nam xích đạo (Masaka and Southwestern) đã qua đợt cao điểm.
Tại Indonesia, cà phê Sumatra được chào bán ở mức cộng 600 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 8 và tháng 9 ở London, không đổi so với tuần trước. Nông dân tại khu vực Lampung cho biết, thời tiết khô trong giai đoạn ra hoa đã hỗ trợ nhiều cho cây cà phê.