Ghép gan là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy gan, xơ gan giai đoạn cuối.
Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là mầm xanh của xã hội, vì thế, trẻ em có quyền được chăm sóc, quyền được học tập, quyền được bảo vệ và chở che. Trong đó, chăm sóc sức khỏe trẻ em là vấn đề quan trọng nhất trong chăm sóc trẻ em vì khi trẻ em có sức khỏe mới có thể phát triển tốt về trí tuệ và cảm xúc.
200 bệnh nhi chờ được ghép gan
TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 200 bệnh nhi đang chờ được ghép gan, con số này rất lớn so với số lượng ca ghép gan được thực hiện suốt những năm qua. Việc có một trung tâm đầy đủ điều kiện ghép tạng đã mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhi.
Theo BS Thạch, ghép gan là giải pháp duy nhất cứu sống trẻ suy gan, xơ gan giai đoạn cuối. Đây là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, mỗi cuộc mổ ghép gan thường kéo dài 10-14 giờ, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn, kỹ thuật phức tạp.
“Bên cạnh đó, trở ngại đến từ nguồn tạng khan hiếm, từ người hiến chết não, vấn đề về pháp lý, đạo đức liên quan đến việc chấp nhận và phân phối tạng; vấn đề về chi phí khi thực hiện một ca ghép tạng còn rất cao”, BS Thạch cho hay.
BS Thạch cho biết thêm, đơn vị đã thực hiện liên tiếp 3 ca ghép gan, sau khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng ngay tại bệnh viện thay vì phụ thuộc các nơi khác, từ tháng 4. Trước đó, bệnh viện phải nhờ sự hỗ trợ chuyển giao và có mặt của các đơn vị (đã đủ điều kiện ghép) như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM hoặc các chuyên gia từ nước ngoài.
Cụ thể, năm 2005, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện. Đến năm 2020, tổng số bệnh nhi được ghép gan là 12 ca. Tuy nhiên, có thời gian, bệnh viện bị gián đoạn việc ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung do nhiều nguyên nhân. Sau đại dịch COVID-19, hai năm 2022-2024, có 24 ca ghép gan được thực hiện, nâng tổng số ca ghép tạng lên 36.
TS.BS Trần Thanh Trí – Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, đánh giá, mỗi năm, các bệnh viện phía Nam mổ khoảng 100 ca teo đường mật bẩm sinh. Phần lớn trẻ sau đó phải ghép gan, nên số lượng trẻ cần ghép tích lũy dần hàng năm ngày càng tăng. Mặc dù, số ca ghép tăng nhưng so với những trung tâm đã ghép cả nghìn ca trên thế giới, con số vẫn còn rất nhỏ; việc ghép gan của bệnh viện chỉ mới bắt đầu, còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai.
Chi phí cao, nguồn tạng khan hiếm
Theo BS Trí, với suy thận, bệnh nhân chưa ghép thận có thể kéo dài sự sống nhờ chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc. Riêng bệnh nhân suy gan, xơ gan giai đoạn cuối, ghép gan là giải pháp duy nhất để trẻ thoát nguy cơ tử vong.
“Bệnh nhân chờ đợi ghép gan chỉ có một khoảng thời gian vàng, đòi hỏi phải nỗ lực chạy đua với thời gian để kịp cứu trẻ. Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở duy nhất phía Nam triển khai ghép tạng cho trẻ em. Vì vậy, bệnh viện tiếp tục gửi y bác sĩ sang nước ngoài đào tạo, phối hợp các chuyên gia trong và ngoài nước để xử lý những trường hợp phức tạp, nâng cao trình độ chuyên môn”, BS Trí thông tin.
Nhằm tăng nhiều số ca ghép gan, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhi, các bác sĩ mong muốn Việt Nam sớm cho phép hiến tạng nhân đạo ở trẻ em chết não dưới 18 tuổi như nhiều nước trên thế giới. Phần lớn nguồn tạng ghép của nhiều nước là đến từ người cho chết não, trong khi Việt Nam ngược lại, chủ yếu từ người hiến sống.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm có quỹ ghép tạng giúp đỡ những gia đình khó khăn, chính sách miễn phí các khoản chi trả về xét nghiệm, nằm viện của người hiến tạng. Chi phí một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khoảng 600-700 triệu đồng, trừ khoản tiền do bảo hiểm y tế chi trả, người nhà tốn khoảng 300-400 triệu đồng”, BS Trí nhấn mạnh.