Cả ông Trump lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio, đều hết lời ca ngợi thoả thuận hoà bình giữa Congo và Rwanda.

Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hoà Dân chủ Congo và Rwanda đã tới Mỹ để ký thoả thuận hoà bình và hoà giải, chấm dứt hơn 30 năm chiến tranh giữa hai quốc gia ở khu vực Đông Phi này.
Đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên cáo sự kiện. Cả ông Trump lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio, hiện kiêm nhiệm cả cương vị Cố vấn an ninh quốc gia, đều hết lời ca ngợi thoả thuận hoà bình giữa Congo và Rwanda.
Nhưng ông Trump cũng đồng thời nhấn mạnh việc hoà giải này đảm bảo cho Mỹ được tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của hai nước châu Phi, đặc biệt là các loại đất hiếm, khoáng sản quý hiếm ở Congo.
Những tài nguyên thiên nhiên này được Mỹ coi là nguyên vật liệu có tầm quan trọng chiến lược mà nguồn cung ứng của Mỹ lâu nay chủ yếu là Trung Quốc. Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong chính cuộc xung khắc thương mại hiện tại cũng như thoả thuận thương mại vừa được Mỹ và Trung Quốc ký kết.
Qua đó có thể thấy ông Trump và cộng sự đầu tư rất nhiều công sức và uy danh vào việc trung gian hoà giải giữa Congo và Rwanda nhằm đồng thời tới nhiều mục đích.
Trước tiên, hoà ước này là một thành quả đối ngoại có ý nghĩa to lớn đối với ông Trump và cộng sự. Xưa nay mới chỉ thấy các Tổng thống Mỹ sa lầy về chính trị an ninh ở châu Phi chứ đâu có thành công với việc đóng vai trò quyết định nào đấy trong quá trình chấm dứt chiến tranh hay nội chiến ở đây.
Kiến tạo nên hoà ước giữa Congo và Rwanda gây dựng cho ông Trump cùng cộng sự uy danh và ảnh hưởng; vai trò và tiền lệ mới có tác động vừa khích lệ chính ông Trump với cộng sự vừa nhen nhóm lòng tin của các nước châu Phi vào năng lực kiến tạo hoà giải, vãn hồi hoà bình trên châu lục.
Thoả thuận hoà bình giữa Congo và Rwanda mở đường cho Mỹ gây dựng và tăng cường ảnh hưởng ở vùng Đông Phi. Nơi đây, Trung Quốc và cả Nga vốn đã có được sự hiện diện trực tiếp về chính trị, kinh tế, thương mại rất sâu rộng. Kiến tạo nên hoà ước giữa Congo và Rwanda trợ lực rất đắc dụng cho Mỹ ganh đua ảnh hưởng với Trung Quốc và Nga ở vùng Đông Phi này.
Đương nhiên, trong số những lợi ích chiến lược đối với Mỹ phải kể đến việc hoà ước này cho phép Mỹ tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Congo và Rwanda. Một khi biến được nơi đây thành nguồn cung ứng mới về đất hiếm và kim loại quý thì Mỹ sẽ giảm được mức độ lệ thuộc hiện tại vào Trung Quốc về cung ứng.
Có nghĩa là có con chủ bài mới có thể giúp vô hiệu hoá hoặc giảm thiểu hiệu quả con chủ bài chiến lược của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ.
Rủi ro tiềm tàng nhất đối với Mỹ trong cuộc chơi này là hoà ước rồi đây có được Congo và Rwanda thực thi đầy đủ, nghiêm chỉnh hay không. Chính quyền hiện tại ở hai nước chắc sẽ rất quyết tâm thực hiện nó bởi đều muốn lôi kéo Mỹ can dự trực tiếp vào khu vực này.
Họ muốn dùng Mỹ làm đối trọng trong quan hệ với các đối tác bên ngoài khác, đặc biệt với Trung Quốc, Nga, EU…. Vấn đề lớn chỉ là tình hình chính trị xã hội, an ninh nội bộ ở Congo và Rwanda tới đây diễn biến có theo chiều hướng thuận cho việc thực thi thoả thuận này hay không thôi.
Không phải phe cánh chính trị nào ở Rwanda và Congo hiện cũng đều ủng hộ hoà ước. Chỉ cần nội chiến ở một trong hai nước tái phát thì xung khắc giữa hai nước cũng vậy. Khi ấy sẽ là tình huống tiến thoái lưỡng nan đối với Mỹ.