Theo báo Star, tư cách thành viên BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “làm phức tạp thêm mọi thứ tại NATO”, khi nước này là một thành viên lâu đời.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn là thành viên BRICS phản ánh sự thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại của nước này, vì Ankara coi BRICS là nền tảng để đa dạng hóa các liên minh kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, tờ Star của Thổ Nhĩ Kỳ đã viết.
Trước đó, Bloomberg đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS cách đây vài tháng. Theo nguồn tin này, khả năng mở rộng BRICS có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở Kazan vào ngày 22-24/10. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ tham dự sự kiện này.
Tuần trước, trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập BRICS và đơn xin của họ sẽ được xem xét.
Theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, tư cách thành viên BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “làm phức tạp thêm mọi thứ tại NATO”, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh lâu đời nhất.
Star cho biết, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập BRICS phản ánh sự không hài lòng của nước này với tình hình quan hệ hiện tại tại NATO, nơi họ thường cảm thấy bị gạt ra ngoài lề hoặc xung đột với các đồng minh khác về các vấn đề quan trọng như mua sắm quân sự, an ninh khu vực hoặc thống nhất chính trị.
Tờ báo nhấn mạnh, điều này có thể như một lời cảnh báo đối với NATO rằng họ có thể cần phải tính đến mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác chặt chẽ hơn với nước này để đưa liên minh lại với nhau trước những thách thức toàn cầu đang gia tăng.
Nhìn chung, tờ báo khẳng định, có một số khía cạnh chính đằng sau lý lẽ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến BRICS.
Đầu tiên, Ankara coi BRICS là bàn đạp để mở rộng phạm vi kinh tế của mình, đặc biệt là đối với các thị trường không phải phương Tây.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng rằng tư cách thành viên BRICS sẽ củng cố vị thế địa chính trị của mình và cho phép nước này hợp tác tích cực hơn với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các cường quốc toàn cầu hàng đầu khác trong các dự án an ninh năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và ổn định khu vực.
Bên cạnh đó, một phần trong chiến lược chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây và sử dụng vị thế địa chính trị độc đáo của mình để tác động đến chính trị toàn cầu.
Ngoài ra, bài báo lập luận rằng sự thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ với quá trình hội nhập châu Âu kéo dài nhiều năm của nước này có thể đã thúc đẩy quyết định gia nhập BRICS của họ.
“Sau nhiều năm đàm phán và kỳ vọng không được đáp ứng, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng không hài lòng với quá trình hội nhập vào EU. Trong khi BRICS, với vai trò kinh tế ngày càng tăng, đang đưa ra một giải pháp thay thế tốt đẹp cho Thổ Nhĩ Kỳ”, tờ báo kết luận.
Theo TASS
Hải Yến