Tỉnh Đắk Lắk hiện có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, phân bổ khắp 15 huyện, thị xã, thành phố. Xác định tuổi trẻ là “rường cột của nước nhà”, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã và đang nỗ lực mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, triển khai hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, các chương trình đồng hành với thanh niên, không ngừng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho thanh niên.
Đoàn kết, tập hợp thanh niên
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 294.000 thanh niên, trong đó thanh niên dân tộc thiểu số chiếm 30,4%; thanh niên tôn giáo chiếm hơn 22,3%. Trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã vận dụng sáng tạo nội dung vào chương trình công tác Đoàn, Hội gắn với các nhiệm vụ chính trị, đặc thù tại từng địa bàn, đối tượng đoàn viên, thanh niên và thực tiễn công tác.
Các cấp bộ Đoàn đã thành lập, phát triển và tăng cường kết nối các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ thanh niên hình thành theo ngành nghề, sở thích để thanh niên giúp nhau cùng tiến bộ; tăng cường tập hợp, đoàn kết thanh niên ở địa bàn dân cư, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, trong khu, cụm công nghiệp.
Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đoàn viên, thanh thiếu niên thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, loa phát thanh; tăng cường hoạt động của 215 đội thanh niên xung kích, đội thanh niên tự quản, tổ tuần tra thanh niên tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại cơ sở; tư vấn việc làm, hỗ trợ thanh niên học nghề, vay vốn phát triển kinh tế, đi xuất khẩu lao động, thành lập và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên.
Là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk với mô hình kinh tế nông nghiệp sạch, anh Y Phi On Mlô (sinh năm 1995) trú buôn Wiao, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng cho biết, anh được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật và được Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh hỗ trợ vốn khởi nghiệp lập nghiệp. Từ đó, anh có cơ hội vươn lên, luôn nỗ lực trong cuộc sống, cố gắng là tấm gương cho các thanh niên trong buôn noi theo.
Theo anh Y Phi On Mlô, công tác tập hợp đoàn kết thanh niên rất quan trọng. Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần chăm lo đời sống, tạo nhiều sân chơi cho thanh niên, vận động thanh niên nâng cao trình độ, nhận thức về văn hóa, đạo đức, tư tưởng, chính trị, từ đó góp phần xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Với 12.524 sinh viên, trong đó có hơn 3.800 sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại 12 trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn, các cấp bộ Đoàn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập” bằng nhiều hình thức phong phú. Điển hình như: Tổ chức, tư vấn, định hướng, giáo dục nghề nghiệp và các Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; biểu dương, tôn vinh các tấm gương sinh viên tiêu biểu; đa dạng hóa các hình thức tiếp sức đến trường đối với học sinh, sinh viên… Các chính sách đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số như: Hỗ trợ học bổng, miễn lệ phí thi hoặc tuyển sinh, hỗ trợ tiền tàu xe, giảm học phí…đã tiếp thêm động lực cho học sinh, sinh viên đến trường, học tập tốt, cùng góp sức vào công tác đoàn kết tập hợp thanh niên.
Là sinh viên năm 2, trường Đại học Tây Nguyên vừa có thành tích học tập tốt, vừa là sinh viên 5 tốt cấp tỉnh, em Y Un Diễm cho biết, khi theo học Đại học, em nhận được nhiều chính sách ưu đãi như: Tiền hỗ trợ 3,6 triệu/tháng dành cho sinh viên sư phạm; các học bổng dành cho sinh viên dân tộc thiểu số. Qua đó, em có thêm nhiều chi phí để trang trải cuộc sống, học tập, nỗ lực trở thành sinh viên ưu tú, truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên dân tộc thiểu số khác. Y Un Diễm ấp ủ giấc mơ sau khi ra trường sẽ về lại buôn làng để dạy tiếng Anh, góp sức nhỏ giúp thanh thiếu nhi trong buôn tự tin với tiếng Anh và được theo học Đại học.
“Một điều em trăn trở hiện nay là mạng xã hội với không gian mở, xu hướng đám đông làm cho việc chọn lọc thông tin chính thống khá khó khăn. Em mong muốn các hoạt động như mùa hè xanh sẽ xuống các địa bàn khó khăn, vừa sinh hoạt, vừa làm những việc có ích cho cộng đồng. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn cần tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua các hội thi, cuộc thi; cùng cán bộ có chuyên môn tăng cường tuyên truyền để đoàn viên, thanh niên có kiến thức, kỹ năng chọn lọc thông tin, hiểu biết sâu rộng về chính sách pháp luật và có tư tưởng vững vàng, đúng đắn”, Y Un Diễm chia sẻ.
Cùng với các chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, các phong trào triển khai của các cấp bộ Đoàn, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương về sản xuất kinh doanh giỏi, đoạt giải cao trong các cuộc thi, làm việc và trở thành lãnh đạo trong các cơ quan, ban, ngành, địa phương. Nhiều thanh niên có năng lực, thành công đã truyền cảm hứng cho buôn làng, cho các thế hệ kế cận về ý chí nỗ lực vươn lên, tích cực học tập, rèn luyện, lao động, làm giàu chính đáng.
Đoàn kết là sức mạnh
Vụ tấn công vào trụ sở chính quyền và người dân tại huyện Cư Kuin vào sáng sớm 11/6, đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra các quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với 84 bị can. Các đối tượng tham gia vụ việc chủ yếu đến từ tỉnh Đắk Lắk, trong đó có những đối tượng còn trẻ, trong độ tuổi thanh niên. Qua đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tại tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn.
Anh Y Siêr Mdrang, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư Kuin cho biết, sau khi vụ tấn công xảy ra, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn 8 xã đã tham gia các chốt chặn, kíp trực và hỗ trợ hậu cần cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Đến nay, cuộc sống đã trở lại bình thường.
Với đặc điểm địa bàn có đông dân tộc sinh sống, đông tôn giáo sinh hoạt, Huyện Đoàn Cư Kuin sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, gắn kết cho thanh niên; hỗ trợ các mô hình thanh niên khởi nghiệp lập nghiệp; tích cực tuyên truyền, lan tỏa gương “Người tốt việc tốt”. Đồng thời, Huyện Đoàn Cư Kuin vận động đoàn viên, thanh niên đồng lòng đoàn kết để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Để đoàn kết tập hợp thanh niên trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tỉnh Đắk Lắk xác định cần làm tốt công tác phát động quần chúng tại cơ sở nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; vận động cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tại địa phương tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật. Các câu lạc bộ khởi nghiệp được thành lập và đa dạng hóa các nguồn quỹ để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đoàn kết 3 lực lượng” trong khối lực lượng vũ trang, thanh niên trường học, thanh niên địa bàn dân cư; duy trì hoạt động của các mô hình điểm về đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo; triển khai các công trình, phần việc thanh niên gắn với việc tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Lê Pas Tơr cho biết, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn. Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh sẽ chú trọng tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên; cung cấp thông tin chính thống cho đoàn viên, thanh niên thông qua nhiều kênh thông tin với hình thức đa dạng, phù hợp. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn, Hội sẽ vận động thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo đề xuất những giải pháp tập hợp, đoàn kết thanh niên; tổ chức tốt việc sinh hoạt chi đoàn, chi hội trên địa bàn dân cư…
Tỉnh Đoàn Đắk Lắk kêu gọi mỗi đoàn viên, thanh niên là một chiến sĩ trong tuyên truyền trên không gian mạng; luôn luôn rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, học tập nâng cao trình độ, tích cực tham gia vào phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê, trong cộng đồng dân cư đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số không theo học đến trung cấp, cao đẳng, đại học nên các cơ hội việc làm yêu cầu có đào tạo chuyên ngành, đào tạo nghề nghiệp không đáp ứng được. Hiện nay, áp lực về tạo việc làm cho thanh niên với tỉnh là rất lớn. Ngoài các giải pháp về giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ xúc tiến sớm các dự án, khu công nghiệp của tỉnh, mong muốn trên cơ sở đó sẽ tạo nhiều việc làm cho thanh niên.
Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Trong thực tiễn hiện nay, thanh niên các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cần thấm nhuần lời Bác dặn để đoàn kết một lòng, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh mạnh mẽ với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Hoài Thu