Đại biểu Quốc hội cho rằng, một số doanh nghiệp trong nước tái cấu trúc khiến đường bay trong nước cắt giảm hoặc giảm tần suất, giá nhiên liệu tăng cao, đã góp phần làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch nội địa và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Phát biểu tại thảo luận về kinh tế-xã hội, Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) bày tỏ tán thành, nhất trí cao đối với hồ sơ báo cáo về kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước trình tại kỳ họp Quốc hội lần này. Trong đó nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội rất công phu, toàn diện, chi tiết. Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp rất khoa học các ý kiến thảo luận tại tổ. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội tại tổ đã rất rõ ràng và cụ thể. Qua đó thấy rằng, tình hình kinh tế – xã hội nước ta có xu hướng phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như đã được chỉ ra tại các báo cáo nêu trên.
Liên quan đến vấn đề về phát triển du lịch, đại biểu Lưu Bá Mạc, nêu rõ, tại trang 40 của Báo cáo số 230 của Chính phủ đã đề cập đến vấn đề là giá vé máy bay tăng cao. Cụ thể, số máy bay thương mại giảm mạnh, tính đến cuối tháng 3/2024 còn khoảng 170 máy bay, đã giảm 40 máy bay và tương đương là khoảng 20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước tái cấu trúc khiến đường bay trong nước cắt giảm hoặc giảm tần suất, đồng thời giá nhiên liệu tăng cao, đã góp phần làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch nội địa và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, trong báo cáo chưa đề cập đến giải pháp đối với vấn đề nêu trên. Do vậy, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cân nhắc có giải pháp để giảm giá máy bay nội địa, từ đó giảm chi phí đi lại cho người dân.
Đồng thời, góp phần thu hút thêm khách du lịch trong nước, quốc tế, kích cầu hoạt động du lịch và dịch vụ nội địa và tăng tính cạnh tranh của các tour du lịch so với tour du lịch nước ngoài.
Trên cơ sở đó, TS. Lưu Bá Mạc đề xuất một số giải pháp đã và đang được các nhà chuyên gia, các nhà quản lý cũng như các bài báo đang thảo luận hiện nay như: Cần có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan và giảm giá trong dịch vụ hàng không, đặc biệt là cần tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay và đưa vào khai thác một số máy bay đang bị bỏ, không gây lãng phí như một số bài báo đã nêu.
Bên cạnh đó, cần tăng năng lực điều hành, vận hành, khai thác tại các cảng hàng không. Ngoài ra, cần có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các nhiên liệu hoặc năng lượng thay thế để nhằm bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hãng hàng không trong nước trước những hành vi không lành mạnh của công ty nước ngoài cho thuê và mua máy bay. Đại biểu cho rằng, một đội bay hùng mạnh chính là sức mạnh quốc gia.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng, cần đánh thức tiềm năng phát triển của các địa phương từ văn hóa, du lịch.
Vị Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Quan tâm đến những vấn đề văn hóa và du lịch, đại biểu chỉ ra rằng để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn thì con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch.
Đại biểu cho biết nhiều địa phương, trong đó có Tây Nguyên, tuy có những khó khăn về điều kiện đường sá, sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng bù lại những nơi này có những cảnh quan tươi đẹp, di tích lịch sử rất nhiều, nhiều nét văn hóa đa dạng.
“Những điều kiện này nếu được quan tâm đầu tư, khai thác không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế, xã hội, mà còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh”, đại biểu bày tỏ.
Lê Sơn