Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc báo chí công khai tên gọi, thủ phủ của 34 tỉnh, TP (8 tỉnh, 6 TP trực thuộc Trung ương) sau sáp nhập là một phương pháp lấy ý kiến Nhân dân.
Nhận định việc công khai tên gọi, thủ phủ 34 tỉnh, TP sau sáp nhập là lấy ý kiến Nhân dân được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 8; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3, sáng 14/4.
Lo lắng thông tin sai sự thật trên mạng về sắp xếp các đơn vị hành chính
Trình bày báo cáo công tác dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho hay, cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm đến những nội dung trong chương trình kỳ họp 9, nhất là việc Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và sửa đổi các luật nhằm phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Cử tri và Nhân dân ủng hộ công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
“Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân lo lắng về thông tin giả mạo, sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nói.

Cạnh đó, cử tri và Nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng cháy nổ xảy ra ở nhiều nơi; hoạt động khám, chữa bệnh trá hình, mạo danh bác sĩ các bệnh viện lớn, không có chứng chỉ hành nghề y.
Việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ tác động không nhỏ đến sản xuất, việc làm trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu…, cũng là vấn đề cử tri, Nhân dân đặc biệt lo lắng.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính.
Điều này nhằm tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, các lực lượng từ Trung ương đến cơ sở.
Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp và trao đổi với Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Sửa đổi Hiến pháp cũng phải lấy ý kiến Nhân dân
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, giai đoạn 1 cả nước đã tiến hành sắp xếp tổ chức xong bộ máy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành. Sang giai đoạn 2, sẽ sửa đổi Hiến pháp và sửa một số luật để phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện.

Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, TP (28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị – hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hôm qua, báo chí đã công khai 28 tỉnh, 6 TP trực thuộc Trung ương để trình Quốc hội, kể cả tên gọi và nơi đặt thủ phủ các tỉnh, thành sau sáp nhập. “Công khai thế này là phương pháp lấy ý kiến Nhân dân và dư luận xã hội. Sửa đổi Hiến pháp tới đây cũng phải lấy ý kiến Nhân dân”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến buổi làm việc của Tổng Bí thư Tô Lâm với Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan liên quan về việc giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, vượt cấp thời gian qua.
“Có thể nói, Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm tới việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về việc giải quyết kiến nghị cử tri, Chủ tịch Quốc hội đánh giá các bộ, ngành đã có văn bản trả lời tốt, không “lòng vòng, chung chung, hình thức”, cử tri thấy hài lòng. Nhiều khiếu nại cũng được bộ ngành tập trung giải quyết trong thời gian giữa 2 kỳ họp.
Dù vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn có một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết kịp thời. “Có trường hợp ngày nào cũng nhắn tin vô máy tôi”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho hay vụ việc này đã được giải quyết tới cùng rồi. Cho nên, cần phải giải thích kiên trì, bền bỉ để người dân thực hiện.
Đề nghị tăng thanh tra, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo ông Bình, trong tháng 3, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng so với tháng 2/2025 và tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cơ quan đã tiếp 310 lượt với 791 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 308 vụ việc, trong đó, có 26 lượt đoàn đông người (tăng 102 lượt công dân về 103 vụ việc và 19 lượt đoàn đông người so với tháng 2.
“Có 5 đoàn đông người cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới”, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nói.
Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong tháng 3 nổi lên 7 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; lĩnh vực tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở.
Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung công tác rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm 226 vụ khiếu kiện phức tạp, thường xuyên kéo lên Trung ương.
Cơ quan này cũng kiến nghị UBND các tỉnh, TP khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Hương Giang