Sáng 25/8, huyện Chương Mỹ tổ chức lễ công bố và đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố cùng đại diện các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ…
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, năm 2010, Chương Mỹ bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, huyện có 14/19 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp. Trong 30 xã thì không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế – xã hội chưa được quan tâm đầu tư. Đời sống và thu nhập của nhân dân còn thấp, chỉ đạt 11,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,98%… Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, 30/30 xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới được hoàn thành. Huyện xây dựng nông thôn mới không để nợ đọng xây dựng cơ bản; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Giai đoạn 2010 – 2020, kinh tế huyện Chương Mỹ liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,8%. Huyện chỉ đạo phát huy thế mạnh địa phương, từng bước phát triển công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch. Đồng thời, quan tâm thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế. Nhờ đó, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cụ thể là Chương Mỹ vinh dự có xã Thụy Hương được Trung ương lựa chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Trong phát triển nông nghiệp, huyện Chương Mỹ đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung với tổng diện tích trên 6.800 ha, bao gồm các sản phẩm như lúa, rau quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm… Huyện cũng đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm gồm: bưởi Chương Mỹ, gạo hữu cơ Đồng Phú, gạo Japonica Nam Phương Tiến; có 99 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); có 258 sản phẩm đã sử dụng tem QR Code để truy xuất nguồn gốc sản xuất. Huyện đã huy động được nguồn lực lớn trong xây dựng nông thôn mới với 7.560 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là trên 2.622 tỷ đồng…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng những kết quả đạt được của huyện Chương Mỹ; đánh giá kết quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Chương Mỹ tiếp tục phát huy nội lực, tập trung phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, huyện Chương Mỹ cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu phù hợp với Bộ tiêu chí mới của Chính phủ vừa ban hành.
Tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ban hành năm 2011, huyện Chương Mỹ nằm trong vùng quy hoạch phát triển hành lang xanh của Thủ đô Hà Nội về phía Tây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thông tin, Chương Mỹ có Khu đô thị sinh thái Chúc Sơn và thị trấn Xuân Mai được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra phương hướng xây dựng nông thôn mới của thành phố theo hướng “Sản xuất nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và hướng tới thành lập thành phố phía Tây Nam của thủ đô Hà Nội. Đây chính là định hướng quan trọng cho huyện Chương Mỹ triển khai công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị trong thời gian tới. Nhưng đây cũng đòi hỏi huyện cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động; khắc phục những khó khăn để hiện thực hóa khát vọng xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Chương Mỹ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cùng với việc bám sát nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, huyện cần tiếp tục xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn; khẳng định người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được thụ hưởng những thành quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, chủ động rà soát các bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025 để không ngừng nâng cao các tiêu chí xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; gắn với tiêu chí đô thị sinh thái, đô thị vệ tinh.
Huyện Chương Mỹ cần quan tâm đẩy nhanh triển khai dự án nước sạch cho nhân dân; tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng…; phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh xứng tầm với điều kiện, lợi thế của địa phương. Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, tạo vành đai xanh Hà Nội. Đồng thời, tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, vì sự nghiệp chung… nhằm đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ.