Cải thiện kỹ năng, tay nghề chính là “chìa khóa” để lao động phi chính thức có cơ hội mở cánh cửa chuyển đổi nghề nghiệp. Luật Việc làm (sửa đổi) với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hơn 33,4 triệu lao động phi chính thức.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2025) với nhiều điểm mới tác động đến các đối tượng, trong đó có lao động phi chính thức. Việc sửa đổi các quy định về việc làm để phù hợp với thực tế của 33,4 triệu lao động phi chính thức là điều cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động. Điều này giúp họ phát triển kỹ năng nghề nghiệp, có việc làm ổn định và thu nhập tương xứng với năng lực.
Điều 34 của dự thảo quy định rõ việc Nhà nước hỗ trợ “chính thức hóa“ lao động phi chính thức thông qua tư vấn việc làm, đào tạo nghề, cấp chứng chỉ kỹ năng, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và trợ giúp pháp lý… Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ vay vốn để duy trì và mở rộng việc làm, hoặc đi làm việc ở nước ngoài.
Đào tạo thực chất, chú trọng ngành nghề thu hút lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt đào tạo 10 ngành nghề, trong đó có 8 nghề nông nghiệp và 2 nghề phi nông nghiệp. Các chương trình đào tạo này đã thu hút sự quan tâm và tham gia của lực lượng lao động phi chính thức, mở ra cơ hội nâng cao tay nghề và tạo việc làm ổn định cho nhiều người lao động trên địa bàn.
Bà Dương Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Hòa Bình khẳng định, lao động phi chính thức đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế của địa phương. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm phục vụ cuộc sống và dần đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Điều này không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho các hộ gia đình, trang trại mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững.
Theo bà Oanh, lao động phi chính thức vẫn là nhóm yếu thế với trình độ kỹ năng thấp, việc làm bấp bênh và thiếu sự bảo trợ xã hội. Điều này khiến họ khó duy trì mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. Cải thiện kỹ năng, tay nghề chính là chìa khóa để lao động phi chính thức có cơ hội chuyển đổi công việc, chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.
“Vì vậy, cần đẩy mạnh đào tạo nghề theo hướng thực chất và hiệu quả, tập trung vào những kỹ năng mà người lao động thực sự cần. Đồng thời, khuyến khích người lao động tự trau dồi tay nghề để nâng cao năng suất lao động hoặc có cơ hội chuyển sang thị trường lao động chính thức”, bà Oanh nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác đào tạo nghề, ông Lê Thiên Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị cho biết: “Nhà trường đang đào tạo 9 nghề ở trình độ Cao đẳng, 16 nghề ở trình độ Trung cấp và 23 nghề ở trình độ Sơ cấp cùng với các khóa đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Mỗi năm, nhà trường đào tạo khoảng 400 học viên trong các chương trình ngắn hạn. Chương trình này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị cốt lõi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị“.
Đại diện đơn vị đào tạo nghề cho rằng, để thu hút lao động phi chính thức tham gia đào tạo nâng cao tay nghề, tỉnh Quảng Trị cần có sự đổi mới, hướng đến đào tạo các ngành nghề như nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản, dịch vụ du lịch – ăn uống, chăm sóc sắc đẹp và năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Ông Vinh cũng khẳng định, trong thời gian tới, nhà trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu chuyển đổi nghề của người lao động. Điều này không chỉ mang lại cơ hội việc làm, tăng thu nhập mà còn thay đổi tư duy của người học, của gia đình về tầm quan trọng của kỹ năng nghề nghiệp trong việc tiếp cận cơ hội kinh tế bền vững và học tập suốt đời, nhất là đối với lao động phi chính thức.
Đồng tình với quan điểm hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị khẳng định, đào tạo nghề cho lực lượng lao động này là mục tiêu cốt lõi và có ý nghĩa chiến lược. Việc này không chỉ giúp công nhận kỹ năng và kinh nghiệm thực tế của những lao động chưa qua đào tạo chính quy hay không có bằng cấp, mà còn mở ra cơ hội lớn để họ phát triển nghề nghiệp và cải thiện thu nhập bền vững.
Bà Trang chia sẻ, tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 300.000 lao động có việc làm, trong đó lao động phi chính thức chiếm tới 74,59% (tương đương gần 250.000 người). Việc đào tạo bài bản cho lực lượng lao động này sẽ giúp họ nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng công việc và đời sống. Quan trọng hơn, quá trình này giúp người lao động khẳng định năng lực của mình trước các nhà tuyển dụng, từ đó tăng khả năng tiếp cận việc làm chính thức, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cá nhân và cộng đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, khái niệm về lao động phi chính thức được hiểu là những lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có, nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.
Đề xuất việc xây dựng hệ sinh thái đào tạo cho lao động phi chính thức
Cũng theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, sau 9 năm thực hiện Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng”, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi nghề cho khoảng 60.000 lượt lao động nông thôn. Phần lớn trong số đó là lao động phi chính thức tự tạo việc làm tại địa phương.
Bà Trang đánh giá, chính sách này đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, đặc biệt là đối với lực lượng lao động phi chính thức. Nhiều lao động sau khi hoàn thành khóa học đã có thể áp dụng ngay kiến thức và kỹ năng vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, đạt được những kết quả tích cực. Không ít hộ gia đình đang mở rộng quy mô sản xuất nhờ vào những kỹ năng mới học được, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, bà Trang cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế sau 9 năm thực hiện mức hỗ trợ đào tạo nghề hiện tại theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg đã không còn phù hợp, khi chi phí thực tế để mở lớp bao gồm: chi phí vật tư, trang thiết bị, máy móc và tiền giảng dạy ngày càng tăng cao. Điều này khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không mặn mà tham gia, thậm chí nhiều ngành nghề có nhu cầu đào tạo lớn nhưng không có cơ sở nào nhận tổ chức, hoặc nếu có thì chất lượng đào tạo cũng giảm sút do thiếu hụt vật tư và cắt giảm giờ thực hành.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đề xuất, trong thời gian tới, nếu có sự điều chỉnh chính sách giao cho địa phương quyền quyết định mức hỗ trợ, Sở sẽ tham mưu cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Trị nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề lên tối thiểu tương đương với lương cơ sở vùng, nhân với số tháng học nghề. Trung bình, mỗi khóa học sẽ hỗ trợ từ 5-6 triệu đồng/người, tùy thuộc vào chương trình đào tạo, nhằm khuyến khích lao động tham gia học nghề và nâng cao tay nghề.
Về nội dụng này, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đào Trọng Độ đánh giá, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, khoảng 450.000 – 500.000 lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn, làng nghề và các đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, được hỗ trợ đào tạo. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực và cải thiện cuộc sống cho người lao động, với khoảng 80-85% số học viên có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học.
Sự thay đổi lớn nhất trong thời gian qua là về nhận thức của người lao động khi tham gia học nghề. Trước đây, nhiều người chỉ học vì chính sách hỗ trợ, nhưng hiện tại, họ tham gia đào tạo với mục tiêu cụ thể hơn: có việc làm ổn định, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững và tăng thu nhập. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn nâng cao năng suất lao động trên diện rộng.
Tuy nhiên, ông Độ lưu ý rằng lao động phi chính thức vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số lao động có việc làm, cụ thể là hơn 60%, tương đương với 33,4 triệu người tính đến 6 tháng đầu năm 2024. Đây là thách thức lớn đối với hệ thống đào tạo nghề hiện nay. Vì thế, ông Độ cho rằng, việc sửa đổi các chính sách, đặc biệt là các quy định liên quan đến khu vực lao động phi chính thức là một nhiệm vụ cấp thiết. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực này và nâng cao chất lượng lao động.
Để chuẩn bị cho những thay đổi lớn về chính sách đối với lao động phi chính thức, ngay sau khi dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được ban hành, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã bắt tay vào việc rà soát các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo nghề; đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Việc làm, Luật Lao động và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Việc này góp phần thúc đẩy các chính sách được thực hiện đồng bộ, nâng cao hiệu quả hỗ trợ người lao động.
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề, ông Độ còn nhấn mạnh vai trò của việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp để người lao động có thể duy trì việc làm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Điều này đòi hỏi sự liên kết giữa nhu cầu sử dụng lao động và các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương, cùng với sự đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề xuất việc xây dựng một hệ sinh thái đào tạo, dự báo nhu cầu tuyển dụng và phát triển kỹ năng. Điều này sẽ giúp các cơ sở đào tạo chủ động điều chỉnh chương trình học theo xu hướng phát triển của thị trường lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo rằng người lao động có thể thích nghi với những thay đổi trong bối cảnh phát triển bền vững.
Văn Hiền