Không ít người ỷ lại mình còn trẻ mà ít quan tâm tới chăm sóc sức khỏe, biết mình có thói quen xấu nhưng không chịu sửa.
Xiao Tian (tên nhân vật đã thay đổi) cũng là một trong số đó. Anh năm nay 21 tuổi, sống tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo lời Xiao Tian kể, anh bắt đầu bị đau nửa đầu dai dẳng, thường xuyên chóng mặt và mệt mỏi không rõ nguyên nhân vào khoảng 4 tháng trước. Đôi khi cơn đau đầu kéo dài cả ngày khiến anh không thể tập trung làm gì được, phải uống thuốc giảm đau nhiều lần.
Cho đến 3 ngày trước, Xiao Tian cảm thấy đau đầu dữ dội, uống thuốc giảm đau vẫn không thuyên giảm. Đồng thời, anh gần như không thể đi tiểu, đi ngoài ra máu và cảm thấy tức ngực vì tim đập rất nhanh. Lúc này, anh mới quyết định đến bệnh viện thăm khám.
Bác sĩ kiểm tra và phát hiện huyết áp của Xiao Tian rất cao. Huyết áp tâm thu đạt gần 180mmHg còn huyết áp tâm trương là gần 100mmHg. Trong khi 2 chỉ số này bình thường sẽ lần lượt ở mức 90 – 140mmHg và 60 – 900mmHg. Anh được chẩn đoán mắc bệnh huyết áp cao và đang trong cơn tăng huyết áp nghiêm trọng, gây rối loạn nhịp tim nên lập tức được chuyển tới phòng cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ thực hiện thêm nhiều kiểm tra khác như chụp X-quang não và chụp cắt lớp vi tính tim mạch, xét nghiệm máu và nước tiểu. Kết quả cho thấy Xiao Tian bị suy thận đã lâu nhưng không chữa trị, dẫn tới urê huyết.
Bác sĩ Cai Qian tại Khoa Thận Bệnh viện Đại học Đông y Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết: “Trên thực tế thì cả bệnh cao huyết áp và suy thận đều gây ra cơn đau đầu, có thể là đau nửa đầu dai dẳng kèm, mệt mỏi, chóng mặt. Tuy nhiên bệnh nhân chủ quan, liên tục tự dùng thuốc giảm đau trong thời gian dài mà không đi thăm khám. Điều này càng khiến cho thận bị quá tải, cùng với việc duy trì những thói quen xấu hàng ngày làm bệnh thận diễn tiến nhanh, trở thành urê huyết.
Urê máu là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa chất đạm (protein) trong cơ thể, được đào thải ra ngoài qua thận. Chỉ số này rất quan trọng để đánh giá khả năng lọc của thận,, nếu chỉ số urê huyết càng cao thì chức năng thận càng kém. Bình thường, urê máu vào khoảng 2,5 – 7,5 mmol/L nhưng ở bệnh nhân này lên tới 13,7 mmol/L.
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng thiếu máu tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối và suy thận cấp tính, có dấu hiệu tổn thương ở hệ thần kinh và vi mạch máu. Ngay lập tức cần được lọc thận để cấp cứu. Urê huyết thường phát hiện ở bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh nhân này cũng vậy và buộc phải chạy thận liên tục để duy trì sự sống”.
Khi được thông báo về tình trạng sức khỏe của mình, Xiao Tian vô cùng hối hận. Anh cho biết, bản thân hiểu rằng mình có lối sống không lành mạnh nhưng cho rằng mình còn rất trẻ, cơ thể có thể tự điều chỉnh. Anh cũng đã nhiều lần cố gắng cải thiện lối sống nhưng chỉ được vài ba hôm lại “ngựa quen đường cũ” sa vào những thói quen xấu.
Cụ thể, anh có tới 5 thói xấu tàn phá sức khỏe: thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia, rất lười vận động và ngày nào cũng uống nhiều cà phê. Theo bác sĩ Cai Qian, đây là những thói xấu không chỉ gây bệnh cao huyết áp, bệnh thận mà còn gây hại tới rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể, tăng tỷ lệ mắc ung thư, đột quỵ và tử vong sớm. Tuy nhiên, chúng lại rất dễ bắt gặp ở những người trẻ hiện đại giống như Xiao Tian.
Hiện tại, mặc dù tình trạng sức khỏe của Xiao Tian đã dần ổn định nhưng vẫn phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Anh chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng nó sẽ là lời cảnh tỉnh cho mọi người, nhất là những người trẻ tuổi. Đừng nên chủ quan với sức khỏe, ỷ lại còn trẻ mà sống không lành mạnh, không chịu thăm khám kịp thời khi phát hiện cơ thể có những bất thường.
Nguồn và ảnh: TOPick, Family Doctor
Ngọc Ái