Trước tình trạng nhiều sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đối mặt với nguy cơ tụt sao, mất sao và ế hàng, tỉnh Cao Bằng đang phải tìm nhiều giải pháp để giúp các sản phẩm OCOP “sống được” trên thị trường. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tuyên truyền vận động để mỗi chủ thể sản xuất ý thức được việc cần phải nỗ lực hơn nữa đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới.
Không dừng lại ở việc được gắn sao OCOP
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Đến nay, toàn tỉnh có 140 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP; trong đó, có 21 sản phẩm sau 3 năm phải thực hiện chứng nhận lại. Tuy nhiên, chỉ có 7/21 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá lại, các chủ sở hữu khác bỏ, không tham gia OCOP nữa. Nguyên nhân là do năm 2020 khi các chủ thể được hỗ trợ tư vấn hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia OCOP thì họ tham gia, đến nay khi phải tự làm hồ sơ tham gia đánh giá lại thì các chủ thể này không chịu nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá lại; một số chủ thể sau khi được chứng nhận OCOP thì không sử dụng tem logo OCOP trên bao bì sản phẩm, không tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại… dẫn đến sản phẩm kém phát triển nên không còn mặn mà với Chương trình OCOP.
Ngược lại, với các cơ sở có tầm nhìn, họ không chỉ dừng lại ở mưc độ 3 sao, 4 sao hiện tại mà luôn nỗ lực vươn lên hoàn thiện sản phẩm của mình. Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc Hợp tác xã Ba Sạch Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) cho biết, thời gian qua, hợp tác xã chú trọng đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm. Không bằng lòng với những gì đạt được, các thành viên trong hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm chế biến để cho sản phẩm tốt nhất. Hợp tác xã đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ trong sơ chế, thay đổi mẫu mã bao bì, đa dạng kích cỡ đáp ứng tối ưu nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải cho rằng quá trình thanh lọc các sản phẩm OCOP là cần thiết. Chủ sở hữu nào thiếu hiểu biết, thiếu quyết tâm phát triển sẽ tự đào thải.
“Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu UBND huyện, các đơn vị tham gia đánh giá các tiêu chí về sản phẩm OCOP đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, cương quyết loại trừ các sản phẩm không đảm bảo các tiêu chí. Chú trọng hơn vào sản phẩm chất lượng, có hướng phát triển rộng, lâu dài để dán nhãn OCOP, tạo điều kiện phát triển sản xuất theo chuỗi, hướng đến xuất khẩu…”, ông Hải nói.*Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Ông Nông Thanh Mẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết, tỉnh luôn xác định không để các sản phẩm dừng lại ở việc được công nhận sao OCOP. Các sản phẩm đạt sao phải thực sự mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cho các chủ thể. Vì vậy, để các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP phát huy được lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động, hỗ trợ các chủ thể OCOP chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng ISO, chứng nhận VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nguồn cung ổn định, giúp chủ thể kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả.
Tỉnh sẽ hỗ trợ các chủ thể ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu bảo quản sản phẩm để giải quyết mối lo “được mùa – mất giá”, đảm bảo nguồn cung ổn định trong năm, đồng thời giữ được chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm; định hướng cho chủ thể về việc nâng cao giá trị sản phẩm, không chạy đua theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cần chú trọng việc nâng cấp bao bì, mẫu mã, nâng cao được giá trị sản phẩm.
Tỉnh chỉ đạo, định hướng cho các chủ thể OCOP kết nối với các siêu thị, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch… trong và ngoài tỉnh; tích cực tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ thể ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: livestream bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội: facebook, tik tok… liên kết đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, ocop247.vn…).
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích thành lập mới nhiều hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất, tạo ra quy trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo chất lượng; xây dựng hồ sơ, quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP. Chỉ có như vậy, bài toán nâng tầm và định vị sản phẩm OCOP trên thị trường mới được giải quyết.
Quốc Đạt (TTXVN)