Thời gian gần đây, các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Telegram, Zalo… đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo hoạt động. Một trong những chiêu thức phổ biến là các đối tượng đăng tải những bài viết nhờ mua hộ các loại tiền số (tiền mã hóa, tiền ảo như: USDT, Bitcoin, Pi…) với lời hứa hẹn hoa hồng hấp dẫn từ 10 đến 20%. Các đối tượng thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết nên khiến nhiều người dễ dàng rơi vào bẫy và mất trắng tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, không chính chủ để đăng tải nội dung kêu gọi mua hộ tiền số. Chúng đưa ra mức hoa hồng cao bất thường nhằm thu hút sự chú ý. Sau khi nạn nhân đồng ý giao dịch và chuyển tiền số vào các ví điện tử do đối tượng cung cấp, chúng sẽ gửi lại hình ảnh giao dịch đã được chỉnh sửa bằng các ứng dụng như Photoshop hoặc Canva để tạo cảm giác tin tưởng. Tuy nhiên, thực tế, số tiền nạn nhân bị rút sạch ngay sau đó. Khi nạn nhân phát hiện và liên lạc để đòi lại tiền, các đối tượng nhanh chóng chặn liên lạc, cắt đứt mọi dấu vết.

Một thủ đoạn khác mà các đối tượng áp dụng là nhắm vào những người có nhu cầu đổi tiền Việt Nam (VND) sang tiền số như USDT. Đối tượng sẽ giả vờ chuyển tiền số vào ví điện tử của nạn nhân, kèm theo hình ảnh “bill” giao dịch đã chỉnh sửa. Tin tưởng vào bằng chứng giả này, nạn nhân chuyển tiền VND vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ ví điện tử, nạn nhân mới phát hiện số tiền số nhận được không khớp với “bill”, thậm chí là không có thật. Lúc này, nạn nhân không thể liên hệ lại với đối tượng do chúng đã chặn số hoặc xóa tài khoản. Đáng chú ý, các đối tượng thường hoạt động trên những nền tảng không được kiểm duyệt chặt chẽ như Telegram nên việc truy vết rất khó khăn.
Ngoài ra, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý hoang mang của nạn nhân để tiếp tục lừa đảo. Hiện nay, trên mạng xuất hiện hàng loạt trang web, fanpage Facebook hoặc nhóm Telegram tự xưng là “dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền” cho các nạn nhân bị lừa đảo. Chúng đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn như “cam kết hoàn tiền 100%” hoặc “hỗ trợ pháp lý nhanh chóng”. Tuy nhiên, đây thực chất là những cái bẫy giăng sẵn để tiếp tục lừa nạn nhân khiến nhiều người sập bẫy thêm lần nữa. Các đối tượng này thường yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc thậm chí nộp một khoản “phí dịch vụ” để “xử lý hồ sơ”. Sau khi nhận được tiền hoặc thông tin, chúng biến mất. Thực tế, không có tổ chức chính thống nào hỗ trợ lấy lại tiền qua các kênh mạng xã hội không rõ nguồn gốc.
Cần thận trọng trong mọi giao dịch trực tuyến
Tiền số, với tính chất phi tập trung và khó kiểm soát đã trở thành công cụ lý tưởng cho các hoạt động lừa đảo. Tại Việt Nam, nhu cầu giao dịch tiền số trong những năm gần đây tăng mạnh. Điều này tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo khai thác.
Theo thống kê từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh, số vụ lừa đảo liên quan đến tiền số gia tăng đáng kể trong những năm gần đây gây thiệt hại lớn. Do đó, lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người dân không nên tham gia vào các giao dịch tiền số, tiền mã hóa, tiền ảo; không tham gia các giao dịch không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những lời mời gọi mua hộ tiền số với hoa hồng cao bất thường từ các tài khoản mạng xã hội lạ; tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng hoặc dữ liệu cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào tự xưng hỗ trợ lấy lại tiền trên mạng xã hội. Trường hợp là nạn nhân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ, không tìm đến các dịch vụ không rõ ràng trên mạng. Mỗi người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng trong mọi giao dịch trực tuyến, đặc biệt là những lời mời gọi hấp dẫn bất thường. Sự cảnh giác của cá nhân, kết hợp với sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng sẽ là lá chắn hiệu quả để đẩy lùi tội phạm công nghệ cao.
Thành Long