Các giải chạy đã trở thành một sân chơi lành mạnh, bổ ích để phát triển thể chất và tinh thần nên được nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có không ít trường hợp bị sập bẫy lừa đảo khi đăng ký tham gia các giải chạy trên mạng.
Mất tiền vì đăng ký tham gia qua mạng
Lợi dụng vào tâm lý của nhiều phụ huynh muốn đăng ký tham gia các giải chạy trong những ngày hè với mong muốn rèn luyện thể chất cho con, đối tượng lừa đảo đã tạo các trang giả mạo những giải chạy rồi quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội nhằm lôi kéo người dân tham gia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thực tế đã có không ít trường hợp bị sập bẫy lừa đảo của các đối tượng khi đăng ký tham gia các giải chạy trên mạng với số tiền bị lừa không nhỏ.
Cuối tháng 4/2024, qua mạng xã hội Facebook, chị T.T.H. (35 tuổi, trú tại Bình Định) thấy có cuộc thi “Kun Maraton – 2024” sắp diễn ra tại thành phố Quy Nhơn nên đã nhắn tin đăng ký cho 2 con và 1 cháu của mình tham gia. Sau đó, trang Facebook “Kun Maraton – 2024” nhắn tin cho chị H. liên hệ với một người tên Hoàng Phương Anh để trao đổi.
Sau khi kết bạn qua Zalo thì người này gửi cho chị H. một đường dẫn để đăng ký cho 3 bé tham gia giải chạy. Lúc này, đối tượng Đặng Quang Vinh là chủ nhóm đã hướng dẫn cho chị H. muốn được xét duyệt hồ sơ thì phải tương tác với nhóm Telegram bằng cách tải những hình ảnh trên nhóm về điện thoại di động của mình, rồi gửi lên nhóm Telegram.
Ban đầu Đặng Quang Vinh gửi lên nhóm Telegram chiếc băng đầu gối thể thao có giá 640.000 đồng rồi yêu cầu các thành viên trong nhóm chuyển tiền vào tài khoản của công ty, công ty cam kết sẽ trả lại đúng số tiền đã chuyển. Thấy các thành viên trong nhóm chuyển tiền nên chị H. cũng chuyển 640.000 đồng thì được nhận lại ngay số tiền vừa chuyển.
Sau đó, đối tượng dẫn dụ mua nhiều thứ khác. Khi số tiền chuyển khoản của chị H. lên cao đối tượng báo với chị H. chuyển tiền sai cú pháp và yêu cầu phải có giao dịch khắc phục thì mới được hoàn trả tiền gốc và lãi. Vì tin tưởng, chị H. đã vay mượn tiền của người thân, bạn bè để chuyển nhiều lần theo yêu cầu của đối tượng với số tiền lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Qua xác minh của cơ quan chức năng, số tài khoản mà chị H. chuyển cho đối tượng là ở nước ngoài, không phải ở Việt Nam.
Với thủ đoạn tương tự, chị X. (trú tại tỉnh Kon Tum) đã bị các đối tượng lừa số tiền gần 200 triệu đồng khi đăng ký giải chạy cho con. Sau khi làm theo hướng dẫn của các đối tượng nhưng vẫn chưa nhận được lại tiền, chị X. năn nỉ thì lập tức bị “kích” ra khỏi nhóm và cắt đứt hoàn toàn liên lạc. Lúc này chị X. mới biết mình đã bị lừa đảo nên trình báo cơ quan công an…
Cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin
Hiện nay, hình thức lừa đảo mạo danh các giải chạy diễn ra phức tạp và phổ biến trên phạm vi cả nước. Mặc dù tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi đã khiến không ít người dân bị mắc bẫy, mất nhiều tiền.
Một trong những thủ đoạn được các đối tượng lừa đảo sử dụng là mời gọi người dân thực hiện chuyển tiền đăng ký tham gia giải chạy. Sau đó, các đối tượng dẫn dắt nạn nhân tham gia các nhóm trên ứng dụng nhắn tin như Zalo, Telegram rồi hướng dẫn làm các “nhiệm vụ” để hưởng thêm nhiều ưu đãi như miễn phí chi phí vận chuyển, tiền ăn tại giải chạy.
Những nhiệm vụ này thường ở dạng yêu cầu mua các sản phẩm chạy doanh số, chuyển tiền vào tài khoản mang tên pháp nhân, cá nhân và được hứa hẹn sẽ hoàn tiền ngay lập tức. Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng thường hoàn trả đầy đủ kèm theo lợi nhuận của những giao dịch đầu, sau đó tăng dần số tiền cần chuyển của nhiệm vụ. Khi số tiền chuyển đi đủ lớn, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện chặn mọi liên lạc với nạn nhân.
Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát đi thông tin cảnh báo về trang giả mạo giải chạy “Đà Lạt Music Night Run”. Theo đó, trang fanpage này đã sử dụng trái phép thông tin và hình ảnh của Giải Chạy bộ âm nhạc Dalat Music Night Run 2024 đã tổ chức vào tháng 6/2024 tại thành phố Đà Lạt rồi gắn thông tin sai lệch, quảng bá tiếp tục tổ chức giải chạy mới từ ngày 16 – 17/11/2024 để lấy lòng tin của người dùng mạng xã hội.
Tuy nhiên, Ban Tổ chức Giải Chạy bộ âm nhạc Dalat Music Night Run 2024 cho biết, giải chạy năm 2024 đã kết thúc vào ngày 1/6/2024, hoàn toàn không mở đăng ký lần 2 trong năm 2024. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng không nhận đăng ký qua tin nhắn riêng, chỉ đăng ký qua cổng vé Actiup và iRace…
Để tránh bị lừa đảo khi đăng ký tham gia các giải chạy trên mạng, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về giấy phép tổ chức, tư cách pháp nhân của đơn vị tổ chức cũng như tính chính danh của các fanpage trước khi thực hiện chuyển tiền đăng ký các giải chạy marathon trên mạng xã hội.
Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và bất kỳ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Kon Tum, các phụ huynh cần hết sức cẩn trọng khi đăng ký các cuộc thi trại hè cho con em mình trên không gian mạng. Đối với giải chạy Kun Marathon, mọi hình thức đòi chuyển tiền phí tham gia đều là lừa đảo vì giải chạy này dành cho trẻ em nên miễn phí.
Cảnh Nhật