Với phương châm “lá lành đùm lá rách”; “nghĩa đồng bào”, trong những ngày qua chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp những gì mà cơn bão số 3 gây ra cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, rất nhiều người, nhóm người lên mạng xã hội để kêu gọi từ thiện với mục đích hỗ trợ đồng bào bị thiên tai. Đây là việc làm cao cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít kẻ lợi dụng mạng xã hội về việc kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bão, lũ để lừa đảo, trục lợi.
Bão số 3 mang theo trận cuồng phong dữ dội đổ ập lên các tỉnh thành miền Bắc chưa qua thì hoàn lưu bão gây mưa lũ, ngập lụt lại đến. Trái tim mỗi người dân lại đau như thắt khi chứng kiến cảnh đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc gồng mình chống lũ. Lũ quét, sạt lở đất, cầu sập, người mất tích, xe khách bị cuốn trôi… Đau thương, mất mát đến nghẹn lòng. Có rất nhiều người từ khắp mọi miền Tổ quốc, nơi khúc ruột miền Trung gánh chịu lũ lụt thường xuyên, đến miền Nam xa xôi cũng sẵn sàng tình nguyện vượt hàng ngàn km ra Bắc chung tay cùng bà con dọn dẹp đổ nát, khắc phục hậu quả. Những lời kêu gọi từ khắp nơi gom hàng cứu trợ, quần áo, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết gửi đến đồng bào vùng lũ. Ấy vậy mà có những kẻ lợi dụng lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác của nhiều người, các đối tượng đã mạo danh tài khoản của những người kêu gọi từ thiện để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội…
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, lợi dụng thiệt hại do bão số 3 gây ra tại tỉnh Quảng Ninh, đã xuất hiện Fanpage trên mạng xã hội Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Một phương thức khác là đối tượng đăng tải, chia sẻ bài viết cùng nội dung về một hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật… nhưng tên người thân (chủ tài khoản ngân hàng) đứng ra nhận tiền ủng hộ lại khác nhau. Với thủ đoạn này, không ít người bị đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng hảo tâm để trục lợi. Trước đó, khoảng tháng 5/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ 2 đối tượng là Vy Bảo Châu (sinh năm 1998, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và Huỳnh Phương Thủy (sinh năm 2004, trú tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) vì hành vi lừa đảo kể trên. Theo cơ quan Công an, Châu đã lập nhiều tài khoản giả mạo, để hình đại diện là những tổ chức từ thiện uy tín. Bằng những tài khoản này, đối tượng đăng tải các bài viết có nội dung về những người có số phận bất hạnh, sau đó đính kèm số tài khoản chính thống của các tổ chức từ thiện. Tiếp theo, đối tượng vào phần bình luận, nói là số tài khoản trên bài bị lỗi và để số tài khoản của mình để người truy cập ủng hộ. Vì lòng trắc ẩn và thiếu cảnh giác, nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiền vào số tài khoản của Châu. Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ 6/2023 tới 5/2024 (thời điểm bị bắt giữ), Vy Bảo Châu đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 400 triệu đồng từ gần 700 người, chủ yếu nạn nhân là những nhà hảo tâm khắp cả nước.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó lường với thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi. Trong đó, lừa đảo kêu gọi từ thiện là một hình thức rất đáng lên án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để thu lợi, gây mất niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật. Các đối tượng thường đăng bài về các cá nhân khác nhau, có hoàn cảnh thương tâm, khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật… để kêu gọi giúp đỡ, nhưng số tài khoản và tên chủ tài khoản ngân hàng nhận tiền ủng hộ của nhà hảo tâm thì cùng một người.
Thông tin với phóng viên, Trung tá Nguyễn Duy Định – Trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, cho biết, những hành vi này sẽ bị xem xét xử lý nghiêm khắc theo các quy định hiện hành của pháp luật. Việc lợi dụng thiên tai, lũ lụt để thực hiện các hành vi lừa đảo không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chính đáng. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình như sau: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Do đó, khi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác với mục đích giúp đỡ thì người sử dụng những thông tin, hình ảnh cá nhân đó phải được sự đồng ý của người được giúp đỡ. Ngoài ra, hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác để kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội với mục đích lừa đảo còn bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội danh này có khung hình phạt từ 3 năm đến tù chung thân, nhưng nếu lợi dụng kêu gọi từ thiện để phạm tội sẽ tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Minh Phương