Năm 2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ban hành quyết định công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “Kiệt tác truyền khẩu – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Từ đó đến nay đã gần 20 năm trôi qua, cồng chiêng Tây Nguyên được các giới khoa học xã hội, nhất là các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương quan tâm nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ về cả tinh thần và vật chất nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của nó.
Ở nhiều nơi, di sản cồng chiêng Tây Nguyên đã và đang được bảo tồn và phát huy đúng hướng, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có không ít địa phương, mặc dù cũng nhận được sự quan tâm như vậy, nhưng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của cồng chiêng không đạt kết quả như mong muốn. Đa số người dân ở các địa phương này, nhất là thế hệ trẻ không mặn mà với sinh hoạt cồng chiêng, thậm chí thờ ơ. Tại sao có tình trạng đó? Theo một số nhà nghiên cứu, đó là vì cán bộ văn hóa, các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương đó hiểu biết chưa đầy đủ về “không gian văn hóa cồng chiêng”, nên có những biểu hiện lệch lạc trong quan tâm đầu tư…
Vậy, hiểu về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” như thế nào là đúng? Một cán bộ văn hóa ở một huyện biên giới Tây Nguyên từng “giải thích”: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tức là cồng chiêng của vùng Tây Nguyên, bao gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng (!). Tôi đã phải “ngậm miệng” cười buồn! Quả thực, hiểu biết về “không gian văn hóa cồng chiêng” của một cán bộ văn hóa như vậy là sai lầm lớn.
“Nói “không gian văn hóa cồng chiêng” tức là nói tới cả bầu sinh quyển văn hóa của cộng đồng bao trùm xung quanh cái cồng, cái chiêng” – Cố GS.TS. Tô Ngọc Thanh.
Điều đầu tiên chúng ta cần tự hỏi là: Vì sao UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “Kiệt tác truyền khẩu – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” chứ không phải “cồng chiêng Tây Nguyên”?
Cố GS.TS. Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) tại Hội thảo về cồng chiêng Tây Nguyên (tháng 11/2007) đã cho biết: Nếu chỉ nói “cồng chiêng Tây Nguyên” không thôi, tức là chỉ nói tới một loại phương tiện/dụng cụ âm nhạc với các bài/điệu gõ của nó mà thôi. Còn nói “không gian văn hóa cồng chiêng” tức là nói tới cả bầu sinh quyển văn hóa của cộng đồng bao trùm xung quanh cái cồng, cái chiêng.
Cố GS.TS. Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) cũng lý giải thích như sau: Khái niệm “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” có hai khía cạnh đáng chú ý:
Một là, nó là “một tổ hợp văn hóa”, trong đó cồng chiêng giữ vai trò trụ cột và tích hợp vào nó rất nhiều hiện tượng văn hóa khác của cộng đồng, như phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, quan hệ trao đổi, liên kết cộng đồng. Nó tạo nên một tổng thể “văn hóa cồng chiêng”.
Hai là, cồng chiêng Tây Nguyên (chứ không phải cồng chiêng ở Tây Nguyên) phân bố không phải ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn ở các vùng phụ cận khác thuộc Trường Sơn – Tây Nguyên. Ở đó, từ xưa tới nay hơn 20 dân tộc bản địa đã sử dụng cồng chiêng với nhiều nét tương đồng. Cố GS.TS. Ngô Đức Thịnh cũng khẳng định: Việc sử dụng cồng chiêng Tây Nguyên từ xưa đều gắn với nghi lễ tín ngưỡng, nó là tiếng nói của con người nhằm “thông quan” với thần linh.
Như vậy, “không gian văn hóa cồng chiêng” chính là “bầu sinh quyển văn hóa của cộng đồng”, hay là “tổ hợp văn hóa” chung quanh cồng chiêng, bao gồm rất nhiều nội dung, nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến cộng đồng, chứ không phải bản thân cồng chiêng với các bài vở của nó.
Mặt khác, việc sử dụng cồng chiêng cũng không thể bừa bãi, mà phải đặt nó trong môi trường nghi lễ trang trọng “có sự chứng giám của thần linh”.
Cũng vì vậy, nói “bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng” thì đâu phải chỉ mua sắm cồng chiêng, mở các lớp truyền dạy cách đánh cồng chiêng, cách chỉnh chiêng, mà cùng với đó cần phải khôi phục lại “môi trường xã hội mà từ đó và vì đó nó (tức cồng chiêng) được sáng tạo, tồn tại và phát triển”.
Cố GS.TS. Tô Ngọc Thanh từng đặt câu hỏi: Ngày xưa người Bana Tơ lô trồng lúa rẫy nên có lễ cầu an cho lúa sau khi làm cỏ, gọi là “Smah quái”; khi thu hoạch thì có lễ ăn cốm gọi là “Sa mơk”. Trong hai lễ này cồng chiêng đóng vai trò chủ đạo cho lễ để thông quan với thần lúa Yang Sri, Yang Sna. Nay, đồng bào trồng cà phê, hồ tiêu liệu họ có cần làm lễ Smah quái, Sa mơk nữa không? Không biết cà phê, hồ tiêu có Yang không? Nếu có thì đó là Yang gì?
Tương tự như vậy, ngày xưa buôn làng nào cũng có bến nước, có một số bài chiêng dành riêng cho lễ cúng bến nước. Nay, nhiều buôn làng không còn bến nước nữa, không còn lễ cúng bến nước. Vậy, những bài chiêng trong các lễ đó còn tồn tại hay không? Hay nó cũng một đi không trở lại như những cái lễ đó?
Đây là vấn đề quan trọng, thiết thực, cấp bách mà lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, nhất là những người hoạt động trong ngành văn hóa phải tìm được lối đi cho bảo tồn phát huy các giá trị của cồng chiêng.
Thiết nghĩ, muốn bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của văn hóa cồng chiêng, để văn hóa cồng chiêng “ở lại” được trong lòng đồng bào (nhất là thế hệ trẻ) thì trước tiên cần khôi phục, giữ gìn môi trường văn hóa của cồng chiêng.
Đấy chính là “không gian văn hóa” của cồng chiêng, bao gồm các phong tục tập quán tốt đẹp, các sinh hoạt văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, đặc biệt là các nghi lễ có sự thông quan với thần linh.
Các bài chiêng được đánh lên, tiếng chiêng vang lên trong môi trường văn hóa như thế chắc chắn sẽ gợi được nhiều cảm xúc, dễ dàng thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm của họ gấp nhiều lần những bài chiêng chỉ vang lên trên sân khấu, trong ánh sáng điện tử chói lòa.
Đồng thời với những việc làm nói trên, là tăng cường hơn nữa việc truyền dạy các bài chiêng (cũ và mới) gắn với các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa (cũ và mới) của cộng đồng cho lớp trẻ, để họ đánh được các bài chiêng đó một cách thuần thục trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm cho họ trở thành chủ nhân đích thực của các sinh hoạt văn hóa đó.
Chỉ khi kết hợp bảo tồn được cả hai vấn đề cốt lõi là “không gian văn hóa” và các “bài bản đánh cồng chiêng” một cách đồng bộ thì công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của cồng chiêng mới thực sự có hiệu quả!
Đặng Bá Tiến