Cà tím là một loại thực phẩm thơm ngon chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, có một số người không nên tiêu thụ quá nhiều.
Tác dụng của cà tím
Theo Sức khỏe và Đời sống, trong Đông y, cà có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng mát gan, lợi mật, nhuận tràng, thường được khuyên dùng cho người bị nhiệt chứng, khô đắng miệng, hoặc táo bón.
Cà tím chứa nhiều vitamin như A, C, các vitamin nhóm B và nhiều khoáng chất vi lượng như K, Mg, Fe, Zn, Ca, Mn. Nhờ nguồn axit folic (vitamin B9) và sắt vi lượng dồi dào, cà tím giúp hỗ trợ quá trình tạo hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu, tốt cho thai phụ.
Trong cà tím còn có kali giúp ổn định nhịp tim, flavonoid giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng, cải thiện tình trạng giấc ngủ, làm đẹp da ngăn ngừa tàn nhang.
Những lưu ý cần thiết khi ăn cà tím
Sơ chế: Độc tố trong cà tím khá cao, không thể hòa tan trong nước, tốt nhất bạn nên ngâm cà trong nước muối thêm vào đó vài giọt giấm, như vậy chúng sẽ giảm đi đáng kể. Bóp nhẹ cà để các chất độc và hạt cà được loại bỏ dễ dàng hơn.
Ăn cả vỏ: Nhiều người cho rằng vỏ cà tím gây ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa, nhưng ngược lại chúng giàu Vitamin B, hỗ trợ tốt cho việc hấp thụ Vitamin C trong cơ thể.
Kết hợp với thực phẩm khác: Nên chế biến cà tím cùng các loại thực phẩm khác nhằm giảm lượng cà tím tiêu thụ, đồng thời bổ sung thêm nhiều dinh dưỡng. Bạn có thể cho thêm một vài lát gừng để an toàn cho người có hệ tiêu hóa kém do cà tím có tính hàn cao.
Không ăn quá nhiều: Một người trưởng thành chỉ nên sử dụng tối đa 250g cà tím trong 1 khẩu phần ăn. Không dùng liên tục trong nhiều ngày.
Nhóm người nên hạn chế ăn cà tím
Người có tiền sử dị ứng nên hạn chế sử dụng cà tím hoặc nếu có sử dụng nên dùng lượng ít và theo dõi triệu chứng dị ứng để có thể xử lý kịp thời.
Các bệnh nhân mắc vấn đề về thận hạn chế dùng cà tím để tránh tình trạng hình thành sỏi do lượng oxalate trong quả này.
Với những người bị hen suyễn không nên ăn cà tím bởi hoạt chất histamin trong cà tím có nguy cơ làm tăng mẫn cảm đối với người mắc bệnh hen suyễn. Nếu ăn nhiều cà tím có thể gây tái phát triệu chứng bệnh.
Thời điểm giao mùa thu – đông cà tím hay bị chát, đắng, lại thiên về tính hàn nên những người có thể chất hư hàn, người dễ bị lạnh bụng, đau bụng, người đang đi ngoài lỏng thì tránh ăn nhiều.
Đặc biệt là người bệnh tiểu đường càng nên ít ăn.
Thanh Mẫn