Mạng xã hội là thành tựu của khoa học công nghệ, là thế giới thu nhỏ để kết nối con người với nhau và cũng là kênh để truyền tải hình ảnh, các thông tin của tổ chức, cá nhân.Tuy nhiên, thời gian qua không ít người lợi dụng mạng xã hội để bôi xấu danh dự cá nhân. Đây là điều không thể chấp nhận, cần và càng phải xử lý thật nghiêm!
Đưa tin sai sự thật nhằm… “câu view”
Ngày nay, bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet đều có thể tham gia vào mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng là con dao hai lưỡi khi những cá nhân lợi dụng điều này để đăng những hình ảnh của người khác mà không được phép để đưa tin sai sự thật nhằm gây sốc, để quảng cáo hay thậm chí để bôi nhọ, xúc phạm danh dự của người khác.
Không khó để thấy bên dưới những bài đăng về một sự vụ đang nóng, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng luôn luôn có những bình luận tiêu cực, ác ý; ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống cá nhân và giá trị văn hóa, đạo đức xã hội.
Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều người không biết rằng, mình nói, mình xúc phạm, tấn công người khác là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, cho nên ở khía cạnh nào đó người ta rất dễ dàng thoải mái trong việc thực hiện hay thể hiện phát ngôn của mình một cách thái quá. Những trường hợp này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nạn nhân mà còn có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong cuộc sống thực.
Điển hình như vào cuối tháng 7/2024, trên mạng xã hội, nhiều cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh, video văn hóa phẩm đồi trụy và danh sách lây nhiễm HIV gán ghép với nữ nhân viên một tập đoàn lớn gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội. Đại diện các cơ quan chức năng đã xác minh và khẳng định thông tin này sai sự thật.
Sau đó, ngày 10/8, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 6 người liên quan đến vụ tin đồn không đúng sự thật về nữ nhân viên một tập đoàn lớn của nước ngoài tại tỉnh này có quan hệ và lây truyền HIV cho 16 người. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Phổ Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 6 đối tượng cùng về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Gần đây nhất, qua công tác nắm tình hình, Công an quận Long Biên phát hiện trên mạng xã hội có lan truyền clip một nam thanh niên xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng công an khi nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra.
Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, ngày 30/7, Công an quận Long Biên đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với trường hợp trên về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp người dân gửi đơn trình báo về việc bị xúc phạm danh dự trên mạng xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là những mâu thuẫn trong làm ăn, quan hệ tình cảm và trong cuộc sống hàng ngày.
“Lúc đầu là lời qua tiếng lại trên mạng. Sau đó thì có thể dẫn đến ẩu đả gây mất an ninh trật tự. Mới đây, Công an quận đã ra lệnh bắt tạm giam, xử lý hình sự, khởi tố 1 đối tượng để điều tra về tội làm nhục người khác. Do mâu thuẫn tình cảm, đối tượng đã có hành vi cắt ghép ảnh 1 người phụ nữ vào ảnh khỏa thân, rồi tung lên mạng xã hội để xúc phạm danh dự người này”, Trung tá Trần Việt Dũng – Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Hà Đông cho biết.
Bất bình trước việc một số cá nhân vì mục đích câu view, câu like mà gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm tư tình cảm của người khác, thậm chí là làm mất danh dự của họ, chị Lê Diễm Quỳnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá đây là hành vi vi phạm đạo đức và cả pháp luật. Đây có thể gọi là hành động vu khống, có thể thưa kiện ra tòa. Với những trường hợp như vậy, nếu gây ảnh hưởng quá nặng nề thì pháp luật cần có chế tài xử lý thật nghiêm. Không thể đăng lên, gây ảnh hưởng đến người khác rồi xin lỗi là xong.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc cung cấp, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả…, người liên quan sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Hoàng, hành vi vu khống người khác là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý bằng các chế tài pháp luật nghiêm minh. Thời gian qua đã có nhiều vụ việc vu khống người khác trên mạng đã bị xử lý, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để xây dựng một môi trường mạng ổn định, văn minh cần có ý thức và trách nhiệm từ mỗi người dùng mạng xã hội.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân tích cực phát hiện, tố giác, phòng ngừa trước âm mưu của kẻ xấu kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần định hướng dư luận, “làm sạch” nguồn thông tin trên môi trường mạng.
Khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, người dân cần phải thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, phải kiểm chứng, sàng lọc thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ, tránh trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, tự suy diễn, không có cơ sở để không phải vướng vào các vi phạm pháp luật không đáng có.
Minh Phương