TMO – UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tỉnh đang đẩy mạnh phối hợp với các bên liên quan nhằm xúc tiến và kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tỉnh Bến Tre hiện có 2 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp An Hiệp và Khu công nghiệp Giao Long, với 47 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 33.441 lao động. Ngoài ra, tỉnh có 8 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích gần 318 ha, có 7 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 299 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp 216,37 ha, đã cho thuê gần 88 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 40,62% diện tích đất công nghiệp. Đến nay, có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp có 29 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.053 lao động.
Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Bến Tre sẽ phát triển 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.372 ha và 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 918 ha, địa phương này tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu. Cụ thể, Bến Tre định hướng tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp gia công kim loại; sản xuất, lắp ráp thiết bị và cụm linh kiện điện, điện cơ, cơ điện tử; công nghiệp sản xuất điện (năng lượng tái tạo, năng lượng mới), công nghiệp hóa chất; khuyến khích các nhà đầu tư tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường.
Hình thành một số cụm công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản và thực phẩm chất lượng cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung nhằm thúc đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất các sản phẩm quang học, phần mềm, các sản phẩm phục vụ xây dựng đô thị thông minh; các dự án điện gió, khí hóa lỏng (LNG), dự án điện rác và điện sinh khối; phát triển nguồn năng lượng mới (hydro xanh); xây dựng, cải tạo nâng cấp và phát triển mới hạ tầng lưới điện. Liên kết sản xuất các ngành cơ khí, chế tạo, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm hóa dược và dược phẩm y tế; hydro xanh, amoniac xanh; hóa chất phục vụ nông nghiệp, sản xuất thiết bị phục vụ ngành chế biến nông sản.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh phối hợp với các bên liên quan nhằm xúc tiến và kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện. Ngành chức năng thường xuyên khảo sát thực tế, nắm tình hình quản lý, triển khai các cụm công nghiệp để có sự điều chỉnh phù hợp hoặc tạm ngừng triển khai đối với các cụm công nghiệp không có tính khả thi cao.
Tỉnh ưu tiên bố trí vốn và thu hút đầu tư tư nhân đảm bảo hạ tầng đồng bộ trong và ngoài cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê. Địa phương cũng chú trọng các nhà đầu tư có năng lực, các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh.
Năm 2024, Bến Tre tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận và giao đất cho các nhà đầu tư, đồng thời chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển công nghiệp để tạo năng lực sản xuất mới. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025; trong đó, ưu tiên xúc tiến, thu hút đầu tư thứ cấp và hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải 3 cụm công nghiệp Tân Thành Bình, Phong Nẫm, Thị Trấn – An Đức.
Nhằm tạo hành lang pháp lý, tiếp tục thu hút mạnh đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành quyết định về các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế, không thu hút đầu tư; tiêu chí, điều kiện ưu tiên và cách tính điểm để lựa chọn dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp. Các lĩnh vực được tỉnh Bến Tre ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp bao gồm: dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án thuộc ngành điện tử, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, ngành máy cơ khí nông nghiệp, chế tạo công cụ, máy móc, phụ tùng, thiết bị cho những loại máy móc khác, công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo
Dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ logistics; chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nông – thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu; sản xuất, chế biến dược phẩm và vật tư y tế tiêu hao, thiết bị y tế; sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, vật liệu xây dựng mới; chế biến thực phẩm, linh kiện nhựa; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; dịch vụ nông nghiệp.
Lĩnh vực tỉnh Bến Tre hạn chế thu hút đầu tư gồm: các dự án sản xuất hóa chất; sản xuất bao bì công nghiệp từ giấy vụn; dự án có công đoạn xi mạ; sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (có phát sinh nước thải công nghiệp); sản xuất phân bón (có phát sinh nước thải công nghiệp); sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp; giày dép, may mặc. Lĩnh vực không thu hút đầu tư gồm: các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực thuộc da, dệt, nhuộm; sản xuất xi măng, bột giấy; sản xuất, tái chế nhựa từ nguyên liệu rác thải nhựa; nhiệt điện từ nguyên liệu than đá hoặc nguồn gốc than đá chiếm tỷ lệ trên 50%; sản xuất thép (trừ dự án sản xuất thép chất lượng cao); các dự án có công nghệ lạc hậu.
Thứ tự ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư được thực hiện theo các tiêu chí: dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch; các dự án có công nghệ thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp chuyển giao công nghệ, có hợp đồng chuyển giao công nghệ; dự án thân thiện với môi trường, có giải pháp bảo vệ môi trường bền vững; sử dụng công nghệ ít thâm dụng đất, nước, xả thải ít và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp hoặc cam kết thành lập doanh nghiệp tại tỉnh, đã có kinh nghiệm thực hiện ít nhất 1 dự án tương tự với dự án đăng ký đầu tư. Việc xem xét năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở báo cáo giải trình về năng lực kinh nghiệm, chuyên môn của nhà đầu tư (kèm các tài liệu chứng minh). Các dự án đầu tư phải đáp ứng tiêu chí về suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng được áp dụng tại thời điểm đăng ký đầu tư và theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm 1 vị trí đất trong các khu, cụm công nghiệp thì ưu tiên xem xét dự án có suất đầu tư cao hơn.
Tiếp đến là các dự án đầu tư có phương án liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm địa phương; có sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; ít thâm dụng lao động; có liên kết, hợp tác với các đối tác ở địa phương để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động; sử dụng ít đất và có phương án thiết kế xây dựng cao tầng theo chiều cao tối đa cho phép theo quy hoạch.
Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có cam kết tiến độ chi tiết triển khai dự án. Thời hạn hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh không quá 2 năm kể từ ngày nhận mặt bằng (bao gồm dự án có nhiều giai đoạn xây dựng trên cùng diện tích đất thuê); nhà đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về đất đai, môi trường.
Trường hợp các nhà đầu tư đã có dự án đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp hiện tại của tỉnh hoặc bên ngoài khu, cụm công nghiệp mà việc sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, bảo đảm môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hoặc các dự án đầu tư cộng sinh như cung cấp đầu vào, nguyên liệu cho các dự án khác hay dự án liên kết chuỗi giá trị, tạo được chuỗi kinh tế tuần hoàn… có nhu cầu mở rộng sản xuất thì sẽ xem xét theo từng dự án cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mở rộng thực hiện dự án.
Trường hợp đặc biệt phải xem xét đối với những dự án (nhà đầu tư) không thuộc đối tượng của khung tiêu chí này, nhưng qua thẩm tra, dự án sẽ đóng góp có hiệu quả cho việc phát triển kinh tế, đóng góp cho ngân sách và thực hiện các hoạt động xã hội…, cho địa phương rất lớn thì Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp xin ý kiến UBND tỉnh trước khi xem xét quyết định.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua phương pháp chẩm điểm. Trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên có cùng điểm số thì lựa chọn nhà đầu tư đạt số điểm cao nhất ở các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên: sử dụng công nghệ; năng lực, kinh nghiệm; liên kết chuỗi giá trị; có đóng góp vào ngân sách tỉnh cao nhất sau thời gian ưu đãi thuế.
Ngọc Mai