Phiên họp nhóm công tác du lịch APEC lần thứ 63 vừa diễn ra tại Peru, với sự tham gia của 17 đại diện từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đại diện tham dự sự kiện này.
Phiên họp nhóm công tác du lịch APEC lần thứ 63 vừa diễn ra tại Peru, với sự tham gia của 17 đại diện từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đại diện tham dự sự kiện này.
Ngoài đại diện của các nền kinh tế thành viên APEC, Phiên họp có sự tham dự của Ban Thư ký APEC và các quan sát viên: Colombia, Macao (Trung Quốc), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), Liên minh Du lịch thế giới (WTA), Trung tâm Du lịch Bền vững Quốc tế APEC (AICST)…
Hướng tới một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình
Trong khuôn khổ chương trình, ở ngày thứ nhất, các đại biểu tham dự phiên họp đã cập nhật các dự án, sáng kiến được thực hiện trong năm 2023- 2024 và các sáng kiến trong tương lai theo từng mức độ ưu tiên của Kế hoạch Chiến lược Du lịch APEC (TSP) năm 2020-2024.
Nhóm công tác Du lịch đã đánh giá việc thực hiện Kế hoạch chiến lược Du lịch APEC năm 2020-2024 và thảo luận về Kế hoạch chiến lược Du lịch APEC giai đoạn 2025 – 2029.
Trao đổi về Kế hoạch chiến lược giai đoạn tiếp theo, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng Kế hoạch phù hợp với Tầm nhìn APEC Putrajaya năm 2040, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ du lịch và khả năng cạnh tranh; du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế.
Phó Cục trưởng nhận định Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2025 – 2029 cũng hướng tới mục tiêu nền kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (mô hình Kinh tế BCG) được thông qua tại Bangkok, Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng Bao trùm và Kế hoạch kết nối APEC, hướng tới một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040.
Về triển khai các hoạt động của Kế hoạch chiến lược 2025 – 2029, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng về cơ bản, các hoạt động được đề xuất có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2025 – 2029 với 4 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, đề nghị các nền kinh tế thành viên cần tiếp tục có ý kiến để các hoạt động không trùng lặp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai.
Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để chủ trì thực hiện một số hoạt động trong Kế hoạch triển khai giai đoạn 2025 – 2029. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các nền kinh tế thành viên APEC để cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững và tự cường của ngành Du lịch khu vực.
Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững
Trong ngày thứ 2, Nhóm công tác du lịch tập trung thảo luận về “Đổi mới nhằm thúc đẩy các bên chuyển sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu” và “Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành Du lịch đối với nhóm chưa được khai thác tiềm năng kinh tế”.
Trao đổi về tầm quan trọng của công nghệ và đổi mới trong việc thúc đẩy các bên chuyển sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu thông tin, chuyển đổi số du lịch là một lĩnh vực được ưu tiên thúc đẩy tại Việt Nam theo Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030. Áp dụng công nghệ trong du lịch đã hỗ trợ toàn diện ngành du lịch từ cấp quản lý nhà nước, doanh nghiệp và du khách.
Tại Việt Nam, việc áp dụng công nghệ được áp dụng hiệu quả tại các điểm du lịch, hỗ trợ cơ quan quản lý du lịch địa phương cũng như ban quản lý tại các điểm du lịch.
Tại một số bảo tàng, khu di tích, điểm tham quan, hệ thống vé điện tử “Trực tuyến – Liên thông – Đa phương thức” kết hợp phát triển hệ thống thuyết minh đa phương tiện đã tạo thuận lợi không chỉ cho ban quản lý trong việc kiểm tra, soát vé hiệu quả, thống kê lượng du khách chính xác, mà còn hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của du khách nội địa và quốc tế khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại Việt Nam…
Nhiều doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cũng đã tham gia vào áp dụng công nghệ trong du lịch. Thông qua việc phát triển đa dạng các sản phẩm trên cơ sở áp dụng công nghệ và xây dựng các tour tham quan trải nghiệm công nghệ đã giúp các doanh nghiệp Việt tăng trưởng tốt, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Nhân dịp này, Phó Cục trưởng bày tỏ mong muốn nhận được các chia sẻ, kiến thức, kinh nghiệm của các các nền kinh tế thành viên, đối tác, chuyên gia du lịch để triển khai hiệu quả hơn hoạt động chuyển đổi số du lịch và đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam.
Nhận thức rõ vai trò của phụ nữ và thanh niên đối với phát triển du lịch, Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp nhằm trao quyền và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, thanh niên trong du lịch ở khu vực APEC như: Tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ và thanh niên tham gia tích cực vào việc họp bàn/đối thoại, lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch.
Nâng cao năng lực phục vụ và quản lý trong du lịch cho phụ nữ và thanh niên. Hỗ trợ phụ nữ, đoàn thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, bao gồm về tài chính, tri thức và mối quan hệ xã hội. Hoàn thiện chính sách quản lý các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Qua đây, Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo du lịch và các đối tác du lịch đến từ các nền kinh tế thành viên để phát triển nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên.
Các dự án, sáng kiến được thực hiện trong năm 2023- 2024 trong lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số có dự án “Nghiên cứu và Hội thảo tạo ra các công cụ số nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức của các doanh nghiệp du lịch ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” (Peru).
Lĩnh vực ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có các dự án như: “Phát triển và phổ biến các điển hình tốt về áp dụng các kỹ thuật quản lý du khách tại các nền kinh tế APEC” (Thái Lan). “Nghiên cứu và Hội thảo nhằm xác định các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) về các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế cho các doanh nghiệp du lịch nhằm thúc đẩy đầu tư bền vững” (Peru).
“Hội thảo về sự tham gia của thanh niên vào việc phát triển du lịch bền vững và an toàn ở các vùng sâu vùng xa của các nền kinh tế APEC” (Nga). “Xác định và phân tích các hướng dẫn đã được thực hiện để phát triển du lịch MICE trong khu vực APEC” (Peru). “Hội thảo APEC về Thành phố Du lịch Thông minh: Cách phối hợp hiệu quả với Cộng đồng Địa phương và Doanh nghiệp Tư nhân” (Hàn Quốc).
Về lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ du lịch và khả năng cạnh tranh bao gồm các dự án: “Tác động của các nền kinh tế sáng tạo đến tương lai du lịch trong khu vực APEC” (Peru); ‘Thiết lập một tương lai an toàn và bền vững cho du lịch trong trạng thái Bình thường mới” (Philippines); “Hội thảo về các điển hình tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của du khác thông qua việc sử dụng các công cụ số” (Peru).
Các hoạt động về lĩnh vực ưu tiên du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế có thể kể đến như: “Chiến lược giảm chất thải carbon trong hoạt động du lịch nhằm bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên” (Peru).
Hội thảo “Vượt quá khả năng chịu đựng: Điển hình tốt trong quản lý du lịch bền vững tại các khu vực bảo tồn, dễ bị tổn thương” (Thái Lan).
“Nghiên cứu về cơ hội phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm ở các nền kinh tế APEC” (Peru). “Xây dựng lại du lịch nông thôn ở các nền kinh tế APEC qua việc sử dụng các chiến lược phục hồi xanh” (Malaysia).
“Báo cáo về các trải nghiệm của sản phẩm du lịch mạo hiểm và thiên nhiên tại các nền kinh tế APEC” (Peru). Giới và sự phát triển trong ngành du lịch ở khu vực APEC (Phillippines).
*Hội nghị Bộ trưởng Du lịch (TMM) APEC và các cuộc họp liên quan diễn ra từ ngày 5 – 9 tháng 6 năm 2024 tại Urubamba (Cusco), Peru.