Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ (gọi tắt là Nghị định 70), trong đó có những sửa đổi liên quan đến nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Các quy định của Nghị định 70 tác động lớn đến các chủ thể kinh doanh, trong đó có hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và nhận được sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh.
Chính sách đang dần lan tỏa
Chiều 10/7, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh (HKD) về việc thực hiện hoá đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Hội thảo nhằm đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 70 của HKD, qua đó đưa ra các kiến nghị để đảm bảo chính sách thực hiện hiệu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã thực hiện khảo sát gần 1.400 HKD trên toàn quốc nhằm đánh giá mức độ tiếp cận, hiểu biết và các khó khăn trong quá trình thực thi chính sách

Theo kết quả khảo sát, 94% HKD đã biết đến Nghị định 70, đây là một tín hiệu tích cực cho thấy chính sách đang bước đầu lan tỏa trong cộng đồng kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, đại diện VCCI cũng lo ngại khi chỉ 11% HKD thực sự hiểu rõ các nghĩa vụ pháp lý, đặc biệt là nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đáng chú ý, có tới 51% HKD cho biết chưa từng được cơ quan thuế liên hệ hoặc hướng dẫn cụ thể. Điều này cho thấy, việc thiếu tương tác trực tiếp với chính quyền địa phương, khiến không ít HKD rơi vào tình trạng lúng túng, bị động trong triển khai các thủ tục.
Ngoài ra, phần lớn HKD vẫn lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu, áp lực thay đổi thói quen vận hành, cũng như những yêu cầu mới về công nghệ và quản lý.
Từ những dữ liệu khảo sát, VCCI kiến nghị cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách một cách rõ ràng, dễ hiểu và sát thực tế hơn. Bên cạnh đó, cơ quan thuế và chính quyền cơ sở cần chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng HKD để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực cho khu vực kinh tế cá thể phát triển bền vững.
Làm sao tháo gỡ khó khăn?
Thiếu kỹ năng công nghệ, thủ tục rườm rà, thói quen cũ chưa dễ thay đổi… đang khiến nhiều HKD loay hoay với hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối cơ quan thuế.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: Việc triển khai quy định sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đã và đang tác động trực tiếp đến hộ, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, quá trình chuyển đổi này không hề dễ dàng, nhất là đối với khu vực kinh tế cá thể vốn hạn chế về năng lực công nghệ.
Thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ là rào cản lớn nhất, với 73% HKD phản ánh gặp khó khăn. Tiếp theo, 53% lo ngại về thủ tục hành chính còn phức tạp; 49% chưa sẵn sàng thay đổi thói quen kinh doanh vốn đã tồn tại nhiều năm. Bên cạnh đó, 37% HKD cho biết họ không có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ chính sách, đồng thời cũng thiếu nguồn lực để đầu tư thiết bị đầu cuối phù hợp.
Đáng chú ý, một bộ phận HKD bày tỏ lo lắng về an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin khi đưa hoạt động kinh doanh lên môi trường số, điều từng là khoảng trống trong quá trình chuyển đổi số của khối siêu nhỏ, nhỏ và cá thể. Những con số này cho thấy, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, từ tập huấn kỹ năng, đơn giản hóa quy trình đến hỗ trợ tài chính thiết bị đầu vào… thì việc thực thi quy định về hóa đơn điện tử không chỉ chậm trễ, mà còn dễ làm nảy sinh tâm lý e ngại, thậm chí phản ứng ngược từ cộng đồng HKD.
Nói cách khác, công nghệ có thể là “chìa khóa”, nhưng nếu không có người mở cửa, cánh cửa chuyển đổi số với HKD sẽ vẫn đóng kín.

Trước thực tế nhiều HKD còn lúng túng khi tiếp cận công nghệ và triển khai hóa đơn điện tử, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc áp dụng quy định cần được triển khai theo lộ trình phân tầng, phù hợp với năng lực và mức độ sẵn sàng của từng nhóm HKD.
Theo VBA, nên ưu tiên triển khai trước tại các đô thị lớn, nơi có hạ tầng công nghệ và trình độ tiếp cận tốt hơn. Trên cơ sở đó, bắt đầu với các HKD có quy mô lớn, rồi mới mở rộng dần đến các nhóm nhỏ hơn.
Để việc thực thi thực sự đi vào cuộc sống, Hiệp hội cũng đề xuất tăng cường công tác truyền thông, tập huấn và đào tạo tại cơ sở, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh ngay từ đầu. Đặc biệt, VBA kiến nghị thiết lập một tổng đài chuyên biệt hoạt động 24/7, giúp HKD dễ dàng tiếp cận thông tin, đồng thời được hỗ trợ, giải đáp trực tiếp trong quá trình triển khai.
Những đề xuất này được đánh giá là sát với thực tế, góp phần giảm áp lực ban đầu cho khối kinh doanh cá thể, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để hóa đơn điện tử đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, bền vững.