Chẳng liên quan tới thực phẩm, một số thói quen khi ăn uống vẫn có thể “mở đường” cho vi nhựa, chất hóa dẻo, nhiều chất độc xâm nhập vào cơ thể.
Chất hóa dẻo (plasticiser) là các hợp chất hóa học được thêm vào nhiều loại vật liệu để tăng tính linh hoạt, đàn hồi và dễ uốn dẻo của chúng. Còn vi nhựa (microplastic) là những hạt/mảnh nhựa bất kỳ có chiều dài dưới 5mm. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các chất này có trong rất nhiều vật dụng hàng ngày và cơ thể con người có thể bị chúng xâm nhập hàng ngày, từng chút một.
Chúng gây ra nhiều tác hại tới sức khỏe con người ở nhiều cơ quan, bằng nhiều cách thức. Ví dụ như ngộ độc, tăng khả năng viêm nhiễm, xâm nhập vào hệ tim mạch, gây rối loạn nội tiết, giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư…
Tiến sĩ Xiao Yilun – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chức năng và kiểm tra an toàn thực phẩm của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, chất hóa dẻo và vi nhựa tồn tại trông rất nhiều môi trường, vật dụng xung quanh chúng ta. Đương nhiên là thực phẩm, dụng cụ ăn uống cũng không ngoại lệ. Vì vậy, ông nhắc nhở có 4 hành vi khi ăn uống đang mở đường cho vi nhựa, chất hóa dẻo và nhiều chất độc hại khác xâm nhập cũng như gây hại cho cơ thể nhưng nhiều người mắc phải sau đây.
1. Dùng túi ni lông đựng thực phẩm nóng, tính axit cao
Sử dụng túi ni lông để đựng đồ ăn nóng quả là tiện lợi nhưng cũng đồng nghĩa với việc đưa bạn và gia đình đến nhanh hơn với bệnh tật, cái chết. Bởi vì ở nhiệt độ cao, túi ni lông sẽ bị tác động nhiệt, thậm chí nóng chảy và khiến chất hóa dẻo cùng nhiều chất độc khác hòa tan vào thức ăn.
Tiến sĩ Xiao nhắc nhở, ngay cả với đồ ăn nguội, lạnh nếu đựng trong các túi ni lông quá lâu cũng gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt là thực phẩm nhiều axit như giấm, dưa chua, cà muối, các món ăn nhiều dầu hay chế biến nhiều muối, nước sốt… Bởi vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan các kim loại nặng, chất độc hại, chất hóa dẻo rất nhanh. Chưa kể nếu dùng các loại túi ni lông mỏng, chất liệu tái chế, có phẩm màu thì lại càng nguy hiểm.
2. Nấu ăn bằng dụng cụ chống dính bị bong tróc
Tiết kiệm là tốt nhưng kiểu tiết kiệm bằng cách không thay thế các dụng cụ chống dính bị trầy xước nhiều, bong tróc thì sẽ khiến bạn trả giá đắt.
Nghiên cứu từ các nhà khoa học từ Đại học Newcastle và Đại học Flinders (Australia) cho thấy, chỉ một vết xước nhỏ trên chảo chống dính có thể giải phóng khoảng 9.100 hạt nhựa trong quá trình nấu. Nếu lớp chống dính bị hỏng, kích thước từ vài milimet trở lên, sẽ giải phóng 2,3 triệu hạt vi nhựa, nhựa nano và có khả năng xâm nhập vào thực phẩm.
Mặt trong của các dụng cụ nấu nướng chống dính được phủ một lớp hợp chất cao phân tử, tên là polytetrafluoroethylene (viết tắt PTFE). Phơi nhiễm chất này làm tăng nguy cơ ung thư, giảm tỷ lệ sinh sản và các vấn đề về phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thừa cân, béo phì, giảm khả năng chống nhiễm trùng.
Ngoài ra, Tiến sĩ Xiao nhắc nhở thêm rằng lớp phủ chống dính cũng có thể giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí khi bị nấu trên 200 độ C. Cũng nên tránh các thực phẩm chua, axit cao với dụng cụ chống dính vì dễ ăn mòn lớp kim loại. Nên thay mới chảo sau 2 năm sử dụng và bất cứ khi nào chúng xước, bong tróc.
3. Thường xuyên sử dụng bộ đồ ăn nhựa dùng một lần
Dù rất tiện lợi, giá rẻ nhưng thường xuyên dùng bộ đồ ăn nhựa một lần rất hại sức khỏe. Theo Tiến sĩ Xiao, chúng tiềm ẩn nguy cơ thôi nhiễm chất hóa dẻo, vi nhựa và nhiều chất độc hại khác. Nhất là nếu bạn dùng loại kém chất lượng hoặc đựng thức ăn nóng.
Bởi vì nguyên liệu cũng như quy trình làm các loại cốc, bát, đĩa này, đặc biệt là lớp tráng chống thấm phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe. Nhưng điều này sẽ khiến giá thành của chúng tăng cao nên các loại bán trôi nổi ngoài thị trường, được các quán ăn sử dụng thường không đảm bảo tiêu chuẩn, không hề thông qua kiểm định.
Ông nhắc nhở thêm rằng tuyệt đối không nên sử dụng các loại dụng cụ ăn uống bằng nhựa một lần này để đựng đồ nóng quá 70 độ C. Nguyên nhân là trong quá trình sản xuất, các loại đồ dùng này thường được trộn phụ gia chống thấm nước có sử dụng keo chứa phenol và melamine. Nếu đựng thực phẩm nóng quá ngưỡng trên, lớp màng chống thấm có thể bị chảy ra, hòa tan gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí, ở một số nước còn cấm dùng đồ nhựa sử dụng một lần vì mức độ nguy hại của sản phẩm này.
4. Dùng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng
Nhiều người vô tư sử dụng các loại màng bọc thực phẩm để chế biến thức ăn với lò vi sóng mà không hay về những hậu quả khó lường. Màng bọc thực phẩm có thể chứa các chất hóa học như chất hóa dẻo và chất phụ gia… Khi gặp nhiệt độ cao, những chất này sẽ tan chảy và hòa lẫn với thức ăn, gây hại sức khỏe và có khả năng gây ung thư.
Bởi các màng bọc được chế tạo từ các nguyên liệu nhựa tổng hợp, hoặc nhựa tái chế với chất liệu phổ biến chủ yếu từ PVC và PE. Do đặc tính hóa học của vật liệu PVC nên khi chế tạo, các nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia DEHA hoặc DEHP để làm mềm và làm trong suốt màng bọc. Còn đối với vật liệu PE thì không cần dùng phụ gia do vật liệu đã có đặc tính mềm dẻo và trong suốt khi chế tạo.
Bạn có thể sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng nhưng đó là loại dành riêng cho lò vi sóng. Ví dụ như màng PE cao cấp, không chất phụ gia, hay một số loại màng khác được sản xuất với công nghệ hiện đại hơn như màng PVDC (Polyvinylidene Clorua) và PMP (Polyvinylidene Clorua). Tuy nhiên, chúng chỉ được sử dụng với lò vi sóng trong khoảng thời gian ngắn và ở nhiệt độ thấp, khoảng dưới 150 độ C.
Nguồn và ảnh: Good Morning Health, MSN
Ngọc Ái