Ngư dân Nguyễn Minh Hải (39 tuổi), ngụ phường Dương Đông, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) có khoảng 20 năm làm nghề khai thác hải sản trên biển. Thực trạng nguồn lợi cá, tôm ngày càng cạn kiệt khiến cuộc mưu sinh của anh Hải và 9 thuyền viên khác thêm phần khó khăn.
Anh Nguyễn Minh Hải là chủ tàu, hành nghề lưới vây. Trên ghe anh Hải còn có 9 thuyền viên khác. Mọi người đều là “dân tứ xứ”, gặp nhau, chung đam mê nghề nghiệp nên đã trở thành những người bạn cùng hội, cùng thuyền.
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Hải khi anh vừa kết thúc chuyến biển đêm 28-3 trên vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia, gần eo biển xã Gành Dầu, TP. Phú Quốc. Đó cũng là đêm thứ hai anh trở lại nghề biển sau gần 10 ngày nghỉ theo chu kỳ con trăng.
Xuất phát từ bến đậu tàu cá trên sông Dương Đông, phường Dương Đông, TP. Phú Quốc, anh Hải điều khiển tàu vượt hàng chục hải lý đến vùng biển quen để khai thác hải sản. Mùa này, những mẻ lưới của anh chủ yếu bắt được cá cơm, mực và một số loại cá tạp như cá trích, cá nhồng, cá đục.
“Để vận hành nghề lưới vây mùa này, ngoài tàu mẹ (chở lưới) tôi điều khiển để bủa và kéo lưới, còn có hai tàu mồi (kích thước nhỏ, dài khoảng 8-10m) làm nhiệm vụ thắp sáng đèn để dụ cá. Cả 3 tàu hoạt động xuyên đêm tiêu hao khoảng 200 lít dầu, giá 21.000 đồng/lít. Trong chuyến biển đêm 28-3, bán hết mớ cá tạp bắt được, tôi thu về 4 triệu đồng. Số tiền này không đủ để trả tiền dầu. Ngoài ra còn có tiền chi phí lấy nước đá cây, tiền công thợ… Những chuyến biển lỗ như thế này ngày một nhiều hơn”, ngư dân Nguyễn Minh Hải chia sẻ.
Anh Hải bắt đầu đóng tàu cá hành nghề đã 9 năm, anh là chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Trước đó, anh có 11 năm làm thuyền viên cho những tàu cá hoạt động trong vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo anh Hải, nguồn lợi hải sản giảm rõ rệt theo từng năm. Sản lượng cá anh khai thác được trong những tháng đầu năm 2024 chỉ bằng 1/3 so với thời điểm 5 năm trước, và chỉ bằng 1/5 so với năm 2015, tức lúc anh mới bắt đầu đóng tàu đi biển.
Ông Trông (57 tuổi), ngụ xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc là thuyền viên làm việc trên tàu cá của anh Nguyễn Minh Hải. Ông sinh ra và lớn lên nơi đất đảo. Trước kia, cha ông Trông cũng là ngư dân, thuở thiếu thời lang bạt mưu sinh trên những miền biển xa xôi thuộc Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đến tuổi trung niên, cha ông Trông chọn đảo Phú Quốc làm nơi an cư, cưới vợ, sinh con và hàng ngày vẫn gắn bó với nghề biển.
Từ nhỏ, ông Trông đã được ra biển cùng cha, lúc đầu chỉ để dạo chơi, dần dà trở thành một thuyền viên thực thụ. “Lão ngư tỷ phú” là tên gọi ví von những đồng nghiệp khác thường gọi để trêu ông Trông. Những lúc đó, ông vò đầu, tặc lưỡi kêu trời: “Tôi nghèo, tỷ phú ở đâu ra?”.
Những bạn thuyền viên quen biết của ông Trông có lý do khi gán cho ông tên gọi đó. Trước hết, ông đúng nghĩa là một lão ngư khi đã gần tuổi lục tuần vẫn làm biển. Ông cũng là thuyền viên lớn tuổi nhất ở quê nhà Cửa Cạn còn đủ sức khỏe để vượt biển hành nghề. Thêm vào đó, gia đình ông Trông hiện có 3 công đất (khoảng 3.000m2) từng được hỏi mua với giá gần 10 tỷ đồng/công nhưng ông không bán.
“Bây giờ tôi vẫn giữ 3 công đất để trồng ít rau màu. Đây là thửa đất nhỏ nếu so với nông dân trong đất liền, nhưng tại đảo Phú Quốc thì đó thật sự là một gia tài. Đây là phần đất trước kia cha tôi cật lực làm lụng mới tạo lập được nên tôi muốn giữ làm kỷ niệm. Sau này, vợ chồng tôi già yếu, qua đời thì các con cứ giữ lấy mà sinh sống”, ông Trông tâm sự.
Trồng ít rau màu trên mấy công đất là việc làm thường ngày của vợ ông Trông. Ông thì chọn nghề biển, thu nhập mỗi con trăng (khoảng 20 ngày) làm việc trên biển của ông được khoảng 6-7 triệu đồng. Số tiền này ông gửi hết cho vợ để dành dụm, phòng chi tiêu những lúc biển động không ra khơi hoặc khi bệnh tật.
“Tôi đã lớn tuổi nhưng sức khỏe còn đảm bảo, không kém nhiều so với những em, cháu nhỏ tuổi hơn. Trên tàu, tôi vẫn thức xuyên đêm để cùng bủa lưới, kéo lưới, lựa cá với mọi người. Tiền công chúng tôi được chủ tàu trả bằng nhau”, ông Trông nói.
“Lão ngư tỷ phú” nói 5 năm tới ông vẫn bám biển làm nghề. Sau đó, nếu sức khỏe không còn đảm bảo, ông sẽ chuyển nghề, hàng ngày quây quần với vợ trồng rau màu, chăn nuôi và chăm sóc các cháu nhỏ, an hưởng niềm vui bình yên tuổi xế chiều.
Là phương tiện nhỏ, tàu cá của anh Nguyễn Minh Hải có thiết kế tối giản không gian để vừa có nơi chứa ngư lưới cụ, vừa đủ chỗ ở cho thuyền viên. Cabin liền sau một boong tàu rộng chưa đến 10 mét vuông là nơi ăn ở, ngủ nghỉ của 10 thuyền viên. Mọi người gọi vui với nhau là đang ở trong một “ngôi nhà” siêu chật, nơi ngủ của mỗi người chỉ rộng khoảng 1m.
Bên trong cabin tàu cá được thuyền viên giăng mắc chi chít những chiếc võng để ngã lưng sau những giờ phút cật lực làm việc. Đây cũng là nơi ngủ nghỉ của thuyền viên khi tàu không dò được cá hoặc khi biển động, việc bủa lưới không thực hiện được.
“Cách đây không lâu, cabin và boong tàu được tôi mở rộng hết mức. Nhớ mấy năm trước, mọi thứ còn chật chội hơn, anh em không đủ chỗ nghỉ ngơi, rất cực khi trời mưa gió. Tàu chật nhưng mọi người đã quen. Việc sinh hoạt vì thế cũng không quá bất tiện”, chủ tàu Nguyễn Minh Hải nói.
Ông Phạm Thành Thảo (50 tuổi), ngụ phường Dương Đông, TP. Phú Quốc là “ba nuôi”, đảm nhiệm nấu cơm cho thuyền viên trên tàu. Ông khá nhanh nhẹn, chen chân di chuyển giữa nhóm thuyền viên ở lái tàu chỉ rộng vài mét vuông. Khoảng 30 phút nấu cơm, canh và chiên ít cá sòng muối mặn, ông Thảo kêu mọi người ăn cơm chiều.
– Cơm hôm nay ăn được không?
– Tạm tạm.
– Tạm là ngon hơn vợ nấu ở nhà không?
– Dạ em không dám chê, chê là đói.
(…)
Anh em thuyền viên thay nhau trêu đùa “ba nuôi” khi anh này gặng hỏi bữa cơm chiều ngon không. Chập tối trên biển, tôi được thuyền viên Nguyễn Tấn Kiệt nhường cho chiếc võng. Sau đó, ngư dân này trèo lên nóc tàu cá, mang theo một cái mền lớn, cười nói là sẽ nghỉ ngơi trên đỉnh tàu.
Trong cabin tối đèn, những thuyền viên khác nằm chen chúc nhau. Có người chơi game, người gọi điện thoại, nhắn tin cho người thân. Mùa này, những cơn gió biển Tây Nam chưa đủ mạnh để xua bớt cái nóng ngột ngạt giữa boong tàu. Không thể chịu được, tôi rời võng ra phía ngoài ngồi đón gió. 20 giờ, biển sóng chòng chành. Một vài thuyền viên đã vào giấc ngủ, chờ hiệu lệnh bủa lưới của thuyền trưởng khi “giờ G” chính thức bắt đầu.
Vùng nước lịch sử giáp biên giới biển nước bạn Campuchia, thuộc TP. Phú Quốc là ngư trường quen thuộc của chủ tàu Nguyễn Minh Hải và thuyền viên. Tại đây, nhiều tàu cá khác cũng hoạt động nghề lưới vây, khiến mặt biển đêm được thắp sáng bằng ánh đèn phát ra từ những tàu mồi.
Cách thức hoạt động nghề lưới vây của ngư dân Nguyễn Minh Hải là cho tàu mẹ và hai tàu mồi di chuyển đến ngư trường. Sau đó, chủ tàu dùng máy dò cá để định vị luồng cá ở tầng mặt biển.
Sau khi xác định được luồng cá, tàu mồi phát đèn điện hết công suất để dẫn dụ cá. Lúc cá “ăn đèn” là đến “giờ G”, thuyền trưởng lái tàu mẹ phát lệnh bủa lưới bao quanh tàu mồi, kế đến là công đoạn kéo lưới và thu hoạch mẻ cá.
Trong đêm 27-3, đội tàu cá của anh Nguyễn Minh Hải thực hiện 3 lần bủa lưới vây. Lần bủa lưới đầu tiên vào khoảng 21 giờ, chỉ thu được vài chục ký cá tạp. Lần bủa lưới thứ 2 được nhóm ngư dân thực hiện lúc đêm muộn. Lần bủa lưới thứ 3 kết thúc cũng là lúc những tia sáng ngày mới bắt đầu lấp ló trên mặt biển.
“Thu hoạch của chuyến biển này trên 1.000kg cá tạp, bán hết chắc cũng trên dưới 10 triệu đồng. Trừ chi phí tiền dầu (khoảng 4 triệu), tiền nước đá, công thợ…, tôi còn được khoảng 2 triệu đồng”, anh Hải chia sẻ.
Anh Hải cười nói với chúng tôi, chuyến biển này tạm ổn, nhưng những chuyến biển 0 đồng vẫn luôn chực chờ. Ám ảnh về những lần vượt biển mưu sinh xuyên đêm, xong những gì đánh bắt được quá ít ỏi cứ lặp đi lặp lại trong tiềm thức, lâu ngày trở thành nỗi sợ. Cố vượt qua, ngư dân Nguyễn Minh Hải và thuyền viên thường hy vọng chuyến biển sau đỡ hơn chuyến trước, cho dù mỗi người cảm nhận được nguồn lợi hải sản đang ngày một giảm dần.
Sau hơn 1 giờ di chuyển trên biển, tàu cá của ngư dân Nguyễn Minh Hải cập bến cảng Gành Dầu, xã Gành Dầu, TP. Phú Quốc. Tại đây, nhiều thương lái đã đón chờ đoàn tàu đánh cá từ tờ mờ sáng để thu mua, giao sỉ cho các vựa hoặc mang vào chợ bán lẻ.