Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông ngay từ năm học 2025 – 2026.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (ngày 5/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2025.
Trong báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh, bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025 – 2026.
Huy động các nguồn lực để xây nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.
Thủ tướng cũng yêu cầu, sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi và hạn mức vay phù hợp với học phí, chi phí sinh hoạt.

Liên quan đến nội dung trên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân phấn khởi về quyết định của Bộ Chính trị thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước (thực hiện từ tháng 9/2025).
Cử tri và Nhân dân đánh giá đây là chính sách rất nhân văn, làm giảm gánh nặng tài chính và tạo cơ hội học tập bình đẳng, đặc biệt cho gia đình thu nhập thấp và vùng khó khăn.
Trước đó, tại buổi họp báo – chiều 4/5, ông Vũ Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).
Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em Mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh Tiểu học; 6,5 triệu học sinh Trung học cơ sở và 2,99 triệu học sinh Trung học phổ thông. Dự kiến, số ngân sách nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng.

Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với: Trẻ em mầm non 5 tuổi; Học sinh tiểu học; Học sinh THCS từ năm học 2025-2026 là 22,4 nghìn tỷ đồng; số ngân sách nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng.
Minh Phong