Nhiều trường hợp người trẻ tuổi, thậm chí là thiếu niên, rơi vào tình trạng nguy kịch vì đột quỵ mà không kịp cấp cứu trong ‘thời gian vàng’.

Đột quỵ không còn là căn bệnh của riêng người cao tuổi. Ngày càng nhiều trường hợp người trẻ tuổi, thậm chí là thiếu niên, rơi vào tình trạng nguy kịch vì đột quỵ mà không kịp cấp cứu trong “thời gian vàng”. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về xu hướng trẻ hóa của bệnh lý nguy hiểm này.
Cảnh báo từ những ca bệnh đau lòng
Trong bối cảnh mạng lưới điều trị chuyên sâu còn thiếu và chưa đồng đều, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về dấu hiệu cảnh báo và các biện pháp phòng ngừa đột quỵ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trên phạm vi toàn cầu, trong số các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân đứng thứ ba nếu xét chung cả tử vong và tàn tật. Năm 2021, thế giới ghi nhận 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm – tương đương một ca mới mỗi 3 giây, với tỷ lệ cứ 4 người thì có 1 người từng bị đột quỵ.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM chia sẻ về trường hợp đau lòng: Bệnh nhi 14 tuổi bị đột quỵ, nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 sau 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Khi đến nơi, bệnh nhi đã chết não và không còn khả năng can thiệp.
Trước đó, bệnh nhi hoàn toàn khỏe mạnh, đột ngột bị yếu liệt nửa người trái. Nhà bệnh nhi cách TPHCM khoảng 20km, nhưng ban đầu được đưa đến Trung tâm Y tế huyện chỉ cách nhà 2km. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ đột quỵ và chuyển lên bệnh viện tỉnh, cách thêm 5km. Sau khi chụp CT và chẩn đoán đột quỵ, bệnh viện tỉnh mới chuyển em đến Bệnh viện Nhân dân 115, cách thêm 27km nữa.
“Nếu bệnh nhi được chuyển thẳng đến TPHCM ngay từ đầu, có thể kết quả đã khác. Tại sao chúng ta không đưa bệnh nhân đến trung tâm điều trị gần nhất, chuyên sâu nhất? Thực tế, tại Việt Nam, 80% bệnh nhân khi đến được cơ sở y tế chuyên khoa điều trị đột quỵ thì đã vượt quá ‘thời gian vàng’, là khoảng 4,5 giờ”, BS Thắng nhấn mạnh.
Trái ngược với trường hợp trên, bệnh nhân T.K.M.T. (SN 1969, ngụ tại Tây Ninh), làm nghề bán hủ tiếu đêm, thường xuyên thức khuya và dậy sớm. Một lần đang buôn bán, ông T. cảm thấy choáng váng, mệt mỏi và yếu một bên người. Nhận định đây có thể là đột quỵ, em trai ông T. lập tức lái xe chở ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115. Nhờ đến viện trong “thời gian vàng”, ông T. được điều trị kịp thời, không để lại di chứng nghiêm trọng và xuất viện sau một tuần điều trị.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người rơi vào tình trạng tàn phế. Theo thống kê tại Mỹ, cứ 10 người từng bị đột quỵ thì có 7 người không thể quay lại làm việc như trước.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ mới (tức trung bình mỗi ngày có trên 500 ca). Riêng tại TPHCM, con số này là 300 ca, chiếm tới 10% số giường bệnh. So với các nước có nền kinh tế tương đương, Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất. Điều này tạo nên gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

90% bệnh nhân đột quỵ có yếu tố nguy cơ
Có đến 90% bệnh nhân đột quỵ mang theo yếu tố nguy cơ. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất chính là kiểm soát các yếu tố này, chứ không thể chỉ trông chờ vào một loại thuốc phòng ngừa suốt đời. Việc xây dựng mạng lưới các đơn vị điều trị đột quỵ, đồng thời định hướng rõ ràng quy trình chuyển tuyến – đi đâu, về đâu – sẽ giúp giảm tối đa hậu quả do đột quỵ gây ra.
BSCKII Kiều Mạnh Hà – Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A (TPHCM) cho biết, đột quỵ là bệnh không phân biệt độ tuổi, giới tính hay nghề nghiệp. Nguyên nhân chính thường là do lối sống thiếu lành mạnh và sự chủ quan khi xuất hiện các yếu tố nguy cơ. Đặc biệt, đột quỵ cực kỳ nguy hiểm ở người trên 60 tuổi. Trong nhóm người trên 75 tuổi, nguy cơ tử vong sau đột quỵ cao gấp 3 lần.
Về xu hướng trẻ hóa bệnh, BS Hà nhận định: Nhiều người trẻ thường nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra với người cao tuổi nên chủ quan, bỏ qua những biểu hiện như chóng mặt, khó nói, tê bì nửa người.
Đột quỵ ở người trẻ có thể xuất phát từ dị dạng mạch máu não (phình mạch, tắc nghẽn), hoặc do bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường. Ngoài ra, thói quen sống không lành mạnh, thiếu vận động, ăn uống không điều độ, sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy, thức khuya là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng.
Về “giờ vàng” trong điều trị, BS Hà phân tích: Đây là khoảng thời gian tính từ lúc xuất hiện triệu chứng đột quỵ đến khi được cấp cứu, can thiệp kịp thời để tái thông dòng máu trong các trường hợp nhồi máu não.
Khung giờ vàng thường nằm trong khoảng 3 – 4,5 giờ đầu. Những dấu hiệu cảnh báo sớm gồm: Yếu liệt chi, nói ngọng, khó nói, méo miệng, lệch mặt, đau đầu, choáng váng. Người nhà bệnh nhân cần ghi nhớ chính xác thời điểm phát hiện triệu chứng để cung cấp cho bác sĩ trong quá trình điều trị.
“90% các ca đột quỵ có thể được phòng ngừa nếu tầm soát sớm và chủ động kiểm soát nguy cơ. Mỗi người cần tự trang bị kiến thức nhận biết và phòng ngừa đột quỵ, để kịp thời đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất trong thời gian vàng, từ đó giảm tỷ lệ tử vong và di chứng”, BS Hà khuyến cáo.
ThS.BS Trần Thiện Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu khuyến cáo: Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không tự ý cho sử dụng thuốc hạ huyết áp tại nhà; Không trói tay, chân hoặc dùng vật ngáng miệng khi người bệnh bị co giật; Không cạo gió và đặc biệt không áp dụng các biện pháp dân gian như chích máu, ấn huyệt nhân trung, xoa dầu, bóp cao. Người bệnh không được uống bất kỳ loại thuốc hay chất lỏng nào, kể cả nước, do nguy cơ cao gây sặc và nghẹt đường thở. Đối với người trẻ, cần duy trì lối sống lành mạnh, tuyệt đối không chủ quan khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu liên quan đến nguy cơ đột quỵ và nên khám sức khỏe định kỳ.