Điện giật là một trong những tai nạn vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra ở mọi gia đình.
Nếu người lớn không cẩn thận và không thường xuyên để mắt, trẻ em sẽ rất dễ bị điện giật. Cần dạy trẻ kỹ năng sử dụng điện an toàn, phòng tránh điện giật ngay khi trẻ có nhận thức về các đồ dùng trong nhà hay ở nơi công cộng…
Bỏng điện là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ, để lại nhiều di chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần biết cách sơ cứu khi trẻ bị điện giật.
Giúp trẻ hiểu về sự nguy hiểm của điện
Hằng năm, có rất nhiều các tai nạn về điện liên quan đến trẻ em. Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, hằng năm, cả nước xảy ra từ 400 – 500 vụ tai nạn điện. Trong đó, 70% nguyên nhân là do mất an toàn điện khi sử dụng trong hộ gia đình.
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong chính ngôi nhà của mình chiếm đến 50%. Nguyên nhân chính liên quan tới các thiết bị điện trong gia đình chiếm tỷ lệ lớn. Các tai nạn này có thể giảm thiểu và tránh được nếu cha mẹ quan tâm hơn và lưu ý dạy trẻ kỹ năng an toàn khi sử dụng điện.
Dạy trẻ sử dụng điện an toàn thể hiện cha mẹ là người có trách nhiệm, biết cách giáo dục đúng lúc để con vui chơi an toàn. Đồng thời, bảo vệ con khỏi nguy cơ điện giật hoặc gây ra hỏa hoạn trong nhà, nơi công cộng.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn điện giật ở trẻ là do các em chưa hiểu biết về mức độ nguy hiểm của điện. Điện là nhu cầu tất yếu và xuất hiện ở mọi nơi trong nhà. Do đó, cha mẹ cần giúp con nhận thức về những nguy cơ nếu không sử dụng điện theo chỉ dẫn.
Bên cạnh đó, trẻ thường có tính cách hiếu động và nghịch ngợm. Mọi thứ trong nhà đều có thể trở thành đồ chơi của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn con dùng điện an toàn ngay khi bé bắt đầu biết đi, biết chạy và nhận thức được mọi thứ.
Một yếu tố khác là cha mẹ không thể trông con 24/24 giờ. Chỉ lơ là vài phút thôi là trẻ cũng có thể có nguy cơ gặp sự cố. Bởi, trẻ nhỏ thường rất nhanh và sẽ vội lao đến lấy những thứ chúng thích trong tầm mắt. Do đó, việc cha mẹ cảnh báo con về sự nguy hiểm của điện sẽ giúp trẻ cảnh giác hơn.
Trong một số trường hợp, do cha mẹ quá bận nên bé được chăm sóc bởi người trông trẻ. Cũng như cha mẹ, người giữ trẻ có thể cần dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho bé và khó có thể giám sát liên tục. Mặt khác, một số người trông trẻ lại không quá chú tâm. Diều này sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm với điện nếu không được giáo dục từ trước.
Đặc biệt, ở tuổi mầm non, trẻ có thể nghịch mọi đồ vật mà chưa biết những nguy hiểm món đồ đó có thể gây ra, đặc biệt là những vật dùng có sử dụng điện. Sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ dễ dàng tiếp cận với các nguồn điện trong nhà hoặc chơi với những thiết bị sử dụng điện hằng ngày một cách vô tư mà không có sự kiểm soát của người lớn.
Bên cạnh đó, đôi khi trẻ hay làm những điều ngược lại mong muốn của cha mẹ. Nhiều trẻ có xu hướng càng bị cấm thì càng tò mò hơn và có khao khát khám phá. Thế nên, thay vì cấm đoán, dạy trẻ về mối nguy hiểm do điện và biết cách sử dụng an toàn là một trong những điều cơ bản đầu tiên mà cha mẹ cần làm.
Việc dạy trẻ những điều cơ bản và sự nguy hiểm của điện có thể giữ trẻ an toàn được phần nào. Trước khi cảnh báo trẻ nhỏ bằng các mẹo, phụ huynh cũng cần giúp con hiểu một số điều cơ bản như: Điện có thể gây sốc, bỏng và thậm chí dẫn đến tử vong;
Dây điện và thiết bị cũng nguy hiểm như đường dây điện; Điện có thể đi qua nước, tương tự như vậy, nó có thể nhanh chóng đi qua cơ thể trẻ nhỏ. Bởi, cơ thể chúng ta chứa đến 70% nước.
Dù ở trong nhà hay ở bất kỳ đâu, trẻ đều có thể đối mặt với những rủi ro về điện. Ví dụ, trẻ có thể vô tình chạm vào ổ điện, dây điện hở hay các thiết bị bị rò rỉ nguồn điện trong lúc vui chơi, dẫn đến bỏng điện, giật điện, thậm chí tử vong.
Các bước sơ cứu khi trẻ bị điện giật
Theo BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trong trường hợp trẻ không may bị điện giật, cha mẹ hoặc những người xung quanh hết sức bình tĩnh để làm đúng các thao tác tách bé ra khỏi nguồn điện. Tuy nhiên, người ứng cứu phải nắm được những kỹ năng cơ bản để cứu người bị điện giật an toàn và cũng để bảo vệ cho bản thân.
Chuyên gia này cho biết, việc đầu tiên phải làm là ngắt nguồn điện ngay lập tức bằng cách ngắt cầu dao điện, rút dây điện… Khi trẻ vẫn còn đang tiếp xúc với dòng điện, tuyệt đối không chạm vào bé bằng tay trần, không được đi vào khu vực rò điện có nước.
Ngoài ra, cần mang găng tay cao su hay quấn bao nilon, vải khô vào tay, đi guốc dép khô hay đứng trên một tấm ván khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra. Tuyệt đối không dùng vật dụng kim loại và dẫn điện. Sau đó, đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát.
Phụ huynh cũng cần kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách: Áp má vào mũi trẻ xem hơi thở, quan sát lồng ngực có chuyển động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ.
Sau khi bị điện giật, nạn nhân thường bị bỏng điện, nhất là vị trí tiếp xúc trực tiếp với dòng điện, thấy khó thở hoặc ngưng tim đột ngột. Một số trường hợp nằm hôn mê, lay gọi không tỉnh, thường do ngưng tim ngưng thở.
“Do đó, sau khi trẻ được tách khỏi nguồn điện, phụ huynh nên kiểm tra xem con còn thở và mạch còn đập không. Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu ngưng thở ngưng tim như: Hôn mê, lay gọi không tỉnh, lồng ngực bất động, không thấy mạch cổ, mạch bẹn; nếu xung quanh chỉ có một mình, hãy gọi lớn để cầu cứu những người xung quanh và nhanh chóng bắt đầu thực hiện hồi sức tim phổi (CPR). Thực hiện phương pháp hồi sức CPR cho trẻ trong khoảng 2 phút rồi mới gọi cấp cứu”, bác sĩ Mười Một khuyến cáo.
BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một cho biết, nếu nạn nhân bị ngưng thở ngưng tim trên 4 phút thì não bị tổn thương. Tình trạng này kéo dài tới 10 phút sẽ tử vong, dù cứu sống, bé cũng bị di chứng nặng nề. Do đó, quá trình sơ cấp cứu cho trẻ trước khi đưa đến bệnh viện rất quan trọng.
Khi thực hiện phương pháp hồi sức tim phổi, cha mẹ cần cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa. Ngửa đầu nâng cằm, nếu nghi chấn thương cột sống cổ thì dùng phương pháp ngửa đầu và cố định cổ để tránh di lệch cột sống cổ. Tốt nhất cần có 2 người di chuyển nhằm tránh phần đầu và cổ của bé bị dịch chuyển. Dùng một tay nhẹ nhàng nâng cằm bé, tay kia ấn nhẹ vào phần trán.
Sau đó, hà hơi thổi ngạt nếu trẻ ngưng thở. Cha mẹ cần quan sát, dùng má để kiểm tra hơi thở của bé. Đồng thời, ghé sát tai vào gần miệng và mũi của trẻ để lắng nghe hơi thở, chú ý nhìn xem những cử động của lồng ngực.
Nếu trẻ không tự thở, hãy nhẹ nhàng áp miệng trùm lên cả miệng và mũi của trẻ. Hoặc, dùng miệng trùm lên phần mũi của bé, tay giữ phần miệng của trẻ đóng chặt lại. Sau đó nâng cằm lên, cho đầu hơi ngả về phía sau. Thổi ngạt 2 hơi, mỗi hơi kéo lên dài trong vòng một giây và phải đảm bảo cho lồng ngực trẻ phồng lên.
Trường hợp trẻ ngưng tim, cha mẹ cần ép tim ngoài lồng ngực cho con. Đặt 2 ngón tay của một bàn tay ở giữa nằm về phía dưới đường ngang nối 2 núm vú, không đặt tay quá sâu về phía dưới ngực. Tay còn lại đặt lên trán trẻ, vẫn giữ đầu trẻ hơi nghiêng về phía sau. Ấn xuống và tạo một áp lực sâu khoảng 1/3 – 1/2 ngực trẻ. Ấn khoảng 30 lần. Sau mỗi lần ấn, để cho ngực trẻ trả lại trạng thái bình thường rồi mới thực hiện lần ấn tiếp theo. Hà hơi thổi ngạt cho bé 2 lần nữa, phải đảm bảo lồng ngực trẻ phồng lên. Tiếp tục thực hiện CPR. Ép tim ngoài lồng ngực (ấn 30 lần) và hà hơi thổi ngạt (2 hơi) sau đó lặp lại trong vòng 2 phút.
“Lưu ý, nếu trẻ có dấu hiệu tự thở bình thường, ho hoặc cử động thì không tiếp tục thực hiện phương pháp ép tim ngoài lồng ngực vì có thể làm tổn thương bé. Khi trẻ bắt đầu tự thở được, hãy đặt bé nằm ở tư thế hồi sức. Thường xuyên quan sát kiểm tra hơi thở của trẻ cho đến khi bàn giao cho nhân viên y tế”, chuyên gia cho biết.
Trong trường hợp sau 2 phút thực hiện phương pháp CPR, trẻ vẫn chưa thể tự thở bình thường được, không ho, không có bất kỳ một cử động nào. Nếu chưa có ai đến trợ giúp, hãy gọi xe cấp cứu hoặc cõng trẻ đến bệnh viện. Lưu ý, không cõng trẻ trong những trường hợp nghi ngờ có chấn thương cột sống.
Bác sĩ Mười Một chia sẻ, các thao tác cấp cứu trên cũng áp dụng cho người lớn khi xảy ra những cơn ngừng tim hay rối loạn nhịp tim, tai biến hoặc tình huống bất ngờ do bệnh lý khác gây ra.
Theo bác sĩ Mười Một, phụ huynh cần chú ý tới “3 Không” trong quá trình sơ cấp cứu cho trẻ bị điện giật. Cụ thể, khi kiểm tra đường thở, hãy nâng cằm trẻ, đặt đầu bé hơi nghiêng. Phải chắc chắn rằng, lưỡi của trẻ không chèn vào khí quản. Nếu nghi ngờ có chấn thương cột sống, kéo nhẹ hàm về phía trước nhưng tuyệt đối không di chuyển đầu hoặc cổ. Giữ cho miệng bé há ra, không ngậm lại.
Nếu trẻ có dấu hiệu tự thở bình thường, ho hoặc cử động, không tiếp tục thực hiện phương pháp xoa ép tim ngoài lồng ngực. Điều đó có thể làm tim trẻ ngừng đập. Không tự ý kiểm tra mạch trừ khi người thực hiện sơ cấp cứu là nhân viên y tế hoặc có kiến thức về sơ cấp cứu do điện giật.