Ngày 20/9, trong khi giá vàng nhẫn lập đỉnh lịch sử thì nhiều cửa hàng tại Hà Nội tiếp tục thông báo hết vàng nhẫn nên không thể bán, chỉ thu mua của người dân.
Trước kia, ngay khi các ngân hàng bán vàng miếng cho người dân (đầu tháng 6) thì nguồn hàng trên thị trường bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm. Nhiều cửa hàng thông báo dừng bán vàng miếng do thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, đến hiện tại, không chỉ vàng miếng mà đến lượt vàng nhẫn cũng hết hàng nhiều ngày qua.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, trong ngày 20/9, nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều thông báo không bán cả vàng miếng và vàng nhẫn vì hết hàng, cửa hàng chỉ nhận mua nếu người dân muốn bán.
Tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, một số người ghé vào để mua vàng nhưng đều nhận được thông tin cửa hàng hiện tại đã hết vàng, chỉ nhận mua vào chứ không bán ra và cũng chưa có thông tin chính xác về thời gian sẽ bán vàng trở lại.
Trong khi chờ mua vàng nhẫn trên phố Trần Nhân Tông, chị Mai Hiền (quận Đống Đa, Hà Nội) nói: “Tôi đang đi mua vàng nhẫn để tặng cho cháu gái sắp cưới, biết là hiện giờ giá vàng nhẫn đang rất cao nhưng vì là việc quan trọng nên vẫn phải mua. Tôi đã đi nhiều cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông nhưng đều nhận được thông báo hết vàng nhẫn. Nhân viên của hàng có bảo tôi để lại số điện thoại, khi nào có thì cửa hàng sẽ thông báo sau, dù họ cũng không rõ là bao giờ mới có vàng để bán. Do sắp đến ngày cưới của cháu gái rồi nên tôi đành chọn phương án mua tại những cửa hàng nhỏ lẻ”.
Tương tự, tại cửa hàng vàng Doji, nhân viên cũng phải giải thích với khách hàng là vàng nhẫn hiện tại đang hết hàng, nếu vẫn có nhu cầu mua thì khách phải chờ và để lại thông tin, số điện thoại để khi có vàng thì cửa hàng sẽ thông báo lại.
Đang loay hoay hỏi các cửa hàng để mua vàng nhẫn, bà Nguyệt Thu (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết vẫn chưa thể tìm mua được chỉ nào. “Nhiều ngày nay, tôi định mua một ít vàng nhẫn làm của để dành nhưng liên tục đi khắp các cửa hàng lớn cũng không mua được. Cứ nghĩ là chỉ hết hàng trong thời gian ngắn thôi nhưng dù đã chờ đợi nhiều ngày, đi qua cửa hàng mấy lượt rồi mà vẫn chưa có vàng trở lại. Chắc tôi không chờ nữa, đành mua ở những cửa hàng nhỏ hơn, dù sau này nếu bán sẽ không thể được giá như các thương hiệu lớn khác”, bà Thu nói.
Đến mua vàng tại một cửa hàng trên đường Cầu Giấy, anh Tuấn Việt cho biết, thông thường anh đầu tư vàng miếng, tuy nhiên gần đây thấy loại vàng này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên anh quyết định chuyển sang đầu tư vàng nhẫn.
“Tôi mua vàng rải rác trong năm từ lúc giá hơn 60 triệu đồng/lượng. Giờ tôi thấy vàng thế giới có xu hướng tăng nên giá vàng trong nước có khả năng tăng theo nên quyết định mua thêm 5 lượng vàng nhẫn tròn với kỳ vọng giá còn lên nữa”, anh Tuấn Việt nói.
Giá vàng nhẫn trong chiều 20/9 tăng lên 80,35 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, lúc 8h45 sáng, giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 78,6 – 79,7 triệu đồng/lượng, đến 14h20 chiều 20/9, Tập đoàn này tiếp tục nâng giá vàng nhẫn lên mức 79,1 – 80,35 triệu đồng/lượng.
Trong sáng nay (21/9), giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 79,30 – 80,40 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử đối với vàng nhẫn.
Giá vàng nhẫn trong nước tăng mạnh do biến động của giá vàng thế giới. Sáng 20/9, giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh và được dự đoán sẽ chinh phục nhiều đỉnh lịch sử trong thời gian tới.
Trong khi giá vàng nhẫn tăng mạnh thì giá vàng miếng cũng tăng 200.000 đồng/lượng, hiện đang dao động ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hôm nay đang được niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 2.619 USD/ounce. Giá vàng đảo chiều tăng mạnh, vượt ngưỡng 2.600 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng dự báo lãi suất chuẩn sẽ giảm thêm nửa điểm phần trăm vào cuối năm nay, 1 điểm phần trăm vào năm tới và nửa điểm phần trăm vào năm 2026.
Theo Giám đốc điều hành Alex Ebkarian của Allegiance Gold, thị trường đang tính đến các đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn, nhiều hơn và điều đó sẽ làm suy yếu thêm giá trị chung của đồng USD. Ebkarian nói rằng, nếu kết hợp rủi ro địa chính trị với thâm hụt hiện tại, cùng với môi trường lợi suất thấp và đồng bạc xanh yếu hơn, tất cả đều có lợi cho kim loại màu vàng.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng toàn cầu cùng với hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, cộng thêm những lo ngại về địa chính trị đã thúc đẩy giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục nhiều lần trong năm nay.