Theo thống kê sơ bộ, có hơn 35.000 lượt đoàn viên, sinh viên Thủ đô, trong đó có khoảng 4.000 lượt sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã tham gia các hoạt động hỗ trợ sửa chữa và làm sạch các cơ sở vật chất; thu hoạch hoa màu cho nhân dân; thu gom, vận chuyển các cành cây gãy đổ, vệ sinh môi trường trên đường phố…
Sau khi cơn bão số 3 đi qua, những ngày qua, các đội hình sinh viên tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả của cơn bão.
Trong đó, ngày 15/9, Đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 gồm 200 sinh viên phối hợp với Đoàn Thanh niên quận Ba Đình và huyện Mê Linh khắc phục hậu quả sau bão.
Lực lượng tình nguyện viên chia thành 4 khu vực, mỗi khu vực huy động từ 40 – 50 sinh viên hoạt động tích cực cắt cành cây, phân loại và hỗ trợ vận chuyển ra các xe trung chuyển; thu gom, phân loại rác thải và vận chuyển đến nơi tập kết.
Trường Đại học Điện lực đã cử 70 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) và phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) vệ sinh nhiều tuyến đường cây đổ, gãy sau cơn bão số 3.
Hơn 20 tình nguyện viên của Trường Đại học Điện lực đã tham gia phối hợp hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Trong thời gian hai ngày, 14 và 15/9, các sinh viên của trường đã thu gom rác thải tại các điểm công cộng; hỗ trợ khơi thông đường xá, vận chuyển tài sản, dọn dẹp nhà cửa cho các hộ dân…
30 sinh viên Trường Đại học Dược cũng tham gia hỗ trợ đoàn viên, thanh niên quận Hoàn Kiếm thu dọn cây đổ xung quanh hồ Hoàn Kiếm…
Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Học viện hành chính Quốc gia phối hợp với Đoàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) cùng ra quân hỗ trợ người dân dọn dẹp cây cối gãy đổ, quét dọn đường phố, thu gom rác…
Những hoạt động của sinh viên Thủ đô đã góp phần giúp các địa phương nhanh chóng ổn định, khôi phục cảnh quan, môi trường sau cơn bão. Hoạt động này sẽ được tiếp nối, phát huy tinh thần “Ba sẵn sàng” của thế hệ sinh viên đi trước. Qua đó, khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện của các bạn trẻ vì cuộc sống cộng đồng.