Thấu hiểu với những khó khăn của người dân khu vực ven sông, quận Tây Hồ đã tạo mọi điều kiện cho người dân yên tâm tạm trú tránh bão lũ tại nơi ở mới. Tại các địa điểm tạm cư, ngoài được hỗ trợ nơi ở, những suất cơm, lực lượng y tế quận phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng khu vực tạm cư để kịp thời thăm khám sức khỏe cho nhân dân.
Những ngày qua, mực nước sông Hồng liên tục dâng cao, có thời điểm gần mức báo động 3 khiến nhiều khu vực ở 4 phường ngoài đê của quận Tây Hồ, gồm: Phú Thượng, Tứ Liên, Nhật Tân, Yên Phụ ngập trong nước. Bám sát chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, quận Tây Hồ đã xây dựng phương án sơ tán các hộ dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm này đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của quận Tây Hồ, tính đến ngày 12/9, quận Tây Hồ đã di chuyển 20.963 nhân khẩu đang sinh sống ngoài khu vực đê sông Hồng đến nơi tránh trú an toàn. Hầu hết người dân được bố trí chỗ ở tại nhà người thân, trong khi các trường hợp không có nơi ở, đã được sắp xếp tại các nhà sinh hoạt cộng đồng và trường học.
Những ngày này, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của quận Tây Hồ vừa trực tiếp xuống địa bàn để chỉ huy giải quyết các việc phát sinh, vừa quan tâm chăm lo đến đời sống các hộ dân bị ảnh hưởng với mong muốn người dân đều được an toàn.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, cùng với việc hỗ trợ chuẩn bị cơ sở vật chất, UBND quận đã tạm cấp kinh phí 500 triệu đồng cho mỗi phường có đê để thực hiện công tác sơ tán các hộ dân, bảo đảm cơ sở vật chất, lương thực cho người dân trong quá trình tạm cư. Ngoài ra, lực lượng y tế quận phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng khu vực tạm cư để kịp thời thăm khám sức khỏe cho nhân dân.
Tại các địa điểm tạm cư, ngoài được hỗ trợ nơi ở, thuốc chữa bệnh, những bữa cơm ấm áp tình đồng bào ngày mưa lũ khiến các hộ dân vô cùng xúc động.
Bà Mai Thị Son, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 10, phường Phú Thượng chia sẻ, nhà văn hóa tổ dân phố đang tiếp nhận 6 gia đình với 12 nhân khẩu tạm cư, sinh hoạt, tránh mưa lũ. Từ khi các hộ gia đình về đây, các chính quyền các cấp, các mạnh thường quân đã cung cấp, ủng hộ các suất ăn miễn phí theo bữa cho các hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyến, tổ dân phố số 3 phường Tứ Liên cho biết: “Được sự trợ giúp kịp thời của lực lượng chức năng, từ đêm ngày 11/9, gia đình chúng tôi được di dời đến Trung tâm văn hoá thể thao quận Tây Hồ. Tôi cảm thấy yên tâm và cảm ơn sự đồng lòng của các cấp các ngành đã hỗ trợ giúp đỡ người dân trong thời điểm bão lũ nguy hiểm. Những lúc khó khăn như thế này, chúng tôi rất cảm động với tấm lòng và tình cảm của cán bộ và chính quyền địa phương”.
Cùng chung niềm xúc động, bà Đàm Thị Hạ, phường Phú Thượng chia sẻ: “Trước khi bão số 3 đổ bộ, gia đình tôi được phường di dời từ trên bè nổi ngoài đê sơ tán vào khu trong tại tổ dân phố số 11. Ở đây, tôi được cán bộ, lực lượng hỗ trợ quan tâm chăm lo, tôi cảm thấy ấm lòng và biết ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp của địa phương đã quan tâm kịp thời đến những người yếu thế, giúp đỡ chúng tôi trải qua thời điểm mưa bão nguy hiểm. Tôi mong nước vùng ngập rút sớm để chúng tôi về nhà dọn dẹp nhà cửa”.
Nước sông Hồng lên nhanh, khiến gia đình bà Hồ Thị Thúy Minh, trú tại tổ dân phố số 12 phường Yên Phụ vô cùng hoảng loạn, ngay trong đêm 11/9, gia đình bà được lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển đến khu vực an toàn. “Trong lúc khó khăn nhất, các lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã hỗ trợ gia đình chúng tôi sơ tán về trung tâm văn hóa – của quận. Gia đình được hỗ trợ đầy đủ nhu yếu phẩm, đồ ăn ngon, hợp vệ sinh. Chúng tôi vô cùng cảm ơn các cấp chính quyền”, bà Minh bộc bạch.
Hiện tại, trong các khu tạm cư phòng chống mưa, lũ trên địa bàn quận Tây Hồ có hơn 60 trẻ em và hơn 30 người già, người cao tuổi… đang sinh sống. Nhân dịp Tết Trung thu sắp đến, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban, UBND các phường, tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ em đang sinh sống trong các khu tạm cư phòng chống mưa, lũ. Tối ngày 12/9, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ em đang sinh sống trong các khu vực tạm cư phòng, chống mưa, lũ trên địa bàn quận.
“Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn giúp các em nhỏ đang sinh sống tại các khu tạm cư vơi đi nỗi nhớ nhà, để các bậc phụ huynh, người nhà các em yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý, tin tưởng, ủng hộ công tác phòng, chống mưa, lũ mà tất cả lực lượng chức năng quận Tây Hồ đang thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.
Nhằm tiếp tục ứng phó với bão, lũ, thời gian tới quận Tây Hồ yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, mực nước các sông để chủ động tham mưu triển khai các phương án ứng phó; tổng hợp báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai trên địa bàn quận. Các đơn vị chức năng quận tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục sự cố do mưa bão gây ra, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân.
Theo thống kê sơ bộ, ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn quận Tây Hồ có 576 cây xanh bị gãy đổ, trong đó 411 cây có thể cắt tỉa, trồng lại và 165 cây cần trồng mới, với tổng chi phí dự kiến khoảng 2.427 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 161,1 ha cây trồng bị thiệt hại, bao gồm 35,5 ha quất, 105 ha đào và 20,6 ha hoa màu, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 132.18 tỷ đồng. Các phường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Tứ Liên và Nhật Tân, nơi hàng chục ha quất và đào bị ngập sâu, gây thiệt hại lớn cho người dân.