Việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội công bố sớm cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã giúp các học sinh, nhà trường giải tỏa áp lực, có định hướng và chiến lược ôn tập cụ thể ngay từ đầu năm học.
Nhiều câu hỏi dạng thức mới
Nhằm giúp học sinh lớp 9 năm học 2024 – 2025 cũng như cán bộ, giáo viên các trường học trên địa bàn Thành phố có định hướng cụ thể để tổ chức dạy học, ôn tập hiệu quả, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 – 2026 – kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cuối tháng 8 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cho kỳ thi này. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, cấu trúc định dạng đề thi là căn cứ quan trọng để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một trong những điểm mới của đề minh họa so với đề chính thức của những năm trước là tăng cường các dạng thức trắc nghiệm, gồm: Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, trắc nghiệm đúng/sai, trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Nội dung đề thi cũng có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.
Ngoài ra, trong đề thi còn có sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp mới là: Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006), Lịch sử và Địa lí. Nếu như trước đây, 5 môn học này đứng đơn lẻ thì theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học được tích hợp thành 2 bộ môn, do đó đề thi cũng sẽ được thiết kế tích hợp. Ở đề thi Khoa học Tự nhiên, kiến thức sẽ dàn trải ở cả 3 môn học với 40 câu hỏi. Môn Lịch sử và Địa lí cũng có 40 câu hỏi. Cấp độ tư duy của các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng.
Tiếp cận với cấu trúc định dạng và đề minh họa, nhiều thầy cô giáo nhận định, đề thi minh hoạ được biên soạn rõ ràng, đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo chuẩn “đầu ra”, tạo sự đổi mới trong phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các đề tự luận phù hợp với thời lượng 120 phút/môn, trắc nghiệm phù hợp với thời lượng 60 phút/môn. Nội dung các đề trải nhiều mạch nội dung và đơn vị kiến thức của từng môn, tăng cường tính mở và vận dụng những đơn vị kiến thức từ thực tiễn.
Dẫn hướng cho việc dạy – học
Thở phào, vui mừng khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa, Nguyễn Tuấn Anh (học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình) bày tỏ: “Em và các bạn trong lớp rất vui vì sớm được biết cấu trúc định dạng cũng như đề minh họa của các môn. Em sẽ tập trung nghiên cứu các đề minh họa để có định hình cụ thể hơn trong việc học tập”.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), việc Sở GD&ĐT Hà Nội sớm công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần dẫn hướng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý các nhà trường trên địa bàn Thành phố trong công tác tổ chức dạy, học, ôn tập.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Hiệp (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình) cho biết, ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nhà trường đã họp hội đồng, trao đổi với các tổ bộ môn để xây dựng phương án dạy học và kiểm tra đánh giá bám sát theo cấu trúc đề thi minh họa ở tất cả các khối lớp. Nhà trường cũng thống nhất sẽ triển khai kiểm tra đánh giá định kỳ theo Chương trình mới để học sinh nắm được định dạng, phom đề…
Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Ban Mai (quận Hà Đông), nhà trường đã triển khai kế hoạch và lộ trình học tập kết hợp ôn luyện nhằm củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh, đảm bảo các em được chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn sẽ luôn theo sát từng học sinh để kịp thời hỗ trợ, tư vấn phương pháp học tập hiệu quả.
Năm học 2024 – 2025 là năm thứ 4 cấp Trung học cơ sở thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó với học sinh lớp 9 là năm đầu tiên. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông.
Đây cũng là năm học đầu tiên lứa học sinh lớp 9 của các nhà trường sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá. Các nhà trường thực hiện việc đánh giá học sinh theo quy định, bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, trong đó lưu ý xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của môn học phù hợp với kế hoạch dạy học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT…
Phạm Thảo