Sau bão số 3 Yagi, một số đơn vị cung ứng nông sản của Đà Lạt – Lâm Đồng đã tăng lượng rau củ cung ứng cho thị trường, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc.
Trong những ngày qua, nhiều đơn vị cung ứng nông sản tại thành phố Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng đã tăng khoảng 30% lượng nông sản xuất bán đi các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả có thể bảo quản được dài ngày.
Đại diện Công ty Nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, các hệ thống siêu thị đều yêu cầu tăng thêm các loại nông sản là củ, quả và giảm các loại rau lá. “Đây là yêu cầu phù hợp bởi nông sản dạng củ quả sẽ bảo quản được lâu, dễ vận chuyển.” – Đại diện công ty chia sẻ.
Ngược lại, nông sản dạng lá khó bảo quản và có thể bổ sung nguồn sản xuất tại chỗ hoặc các tỉnh lân cận.
Bà Nguyễn Thúy Quyên, tiểu thương chuyên kinh doanh nông sản Đà Lạt tại huyện Đơn Dương, cho hay “Vựa nông sản của tôi đã tăng lượng thu mua lên 20% để bán cho các chợ đầu mối tại Hà Nội và Hải Phòng, nằm trong vùng tâm bão Yagi. Trước khi bão vào, nhiều tiểu thương nông sản tại các tỉnh phía Bắc đã đặt hàng”.
Theo bà Quyên, để đáp ứng thiếu hụt nông sản trong 2 tháng tới do vùng sản xuất tại chỗ ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại, vựa rau của bà đã đặt hàng nông dân tăng sản lượng.
Ghi nhận tại chợ nông sản Đà Lạt, giá nông sản so với tháng 7-2024 không thay đổi nhiều. Trong đó cà chua có giá 21.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt (màu vàng và đỏ) 30.500 – 31.000 đồng/kg, tăng 2.500 – 3.000 đồng/kg; đậu leo 15.000 đồng/kg, tăng 1.750 đồng/kg.
Trong khi đó một số loại rau củ khác giá giữ ở mức cao như bó xôi 26.000 đồng/kg, súp lơ xanh 18.000 đồng/kg, rau xà lách 8.000 – 10.000 đồng/kg, ớt sừng 15.000 đồng/kg…
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích gieo trồng rau các loại tại tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 40.000 hecta, sản lượng ước đạt 786.884 tấn, tăng 2,89% so với cùng kỳ. Hầu hết diện tích rau các loại được trồng thâm canh tại thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và Lâm Hà.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phực tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm Cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Do vậy người dân đã chủ động mua sắm, hàng hóa dự trữ trước khi Bão đổ bộ.
Trước đó, vào ngày 07/9/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên và liên tục, liên hệ và chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp hàng hóa quy mô lớn cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng mua lũ đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 để có chỉ đạo cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, trong đó có mặt hàng xăng dầu phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi.