Được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy hoạch thành quận vào năm 2025, huyện Đông Anh đang trở thành tâm điểm đầu tư bất động sản của Hà Nội và được dự đoán sẽ là khu vực nóng tiếp theo của Thủ đô cho đầu tư bất động sản. Với giao thông ngày càng hoàn thiện, Đông Anh là nơi “hạ cánh” của hàng loạt cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực này.
Tháng 7/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua “Đề án thành lập quận Đông Anh”, tuy nhiên, huyện Đông Anh đã chuẩn bị mọi mặt cho đề án từ hàng chục năm, trong đó đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông.
Đông Anh đã hình thành hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt với các tỉnh phía Bắc, vùng Đông Bắc và khu vực trung tâm Thủ đô như đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, Quốc lộ 3, Quốc lộ 3 mới (đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), đường 23B, Quốc lộ 23A…
Đặc biệt, Hà Nội cũng xây 3 cây cầu vượt sông Hồng gồm Tứ Liên, Thượng Cát và cầu Thăng Long. Việc hình thành cây cầu trong nội đô bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc, hình thành cửa ngõ thứ ba bên cạnh cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, thuận tiện di chuyển từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố. Sau khi hoàn thành, từ khu đô thị Eurowindow River Park, Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội người dân có thể rút ngắn thời gian di chuyển vào trung tâm Thành phố chỉ còn khoảng 10 phút.
Với giao thông ngày càng hoàn thiện, Đông Anh là nơi “hạ cánh” của hàng loạt cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực bất động sản như: Vingroup, Eurowindow Holding, Sun Group, BRG… với các dự án “khủng”.
Tại tọa đàm “Tiêu điểm đầu tư bất động sản trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Dũng Minh – Phó Tổng giám đốc MIK Group nhận định, Đông Anh sẽ là khu vực “nóng” tiếp theo của Hà Nội. Đây là khu vực có hạ tầng giao thông phát triển, kết nối rất tốt với trung tâm thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Đông Anh sẽ là khu vực rất phát triển trong thời gian tới. Đại diện MIK Group cho biết sẽ tập trung nhiều vào khu vực này.
Hạ tầng giao thông phát triển thần tốc tích hợp cùng tiện ích từ các dự án bất động sản lớn tại trung tâm Đông Anh, đây được xem là thời điểm thích hợp để sở hữu các căn hộ giá tốt tại các dự án đã vận hành ổn định trong khu vực, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ngày càng khan hiếm và giá bất động sản đang tăng phi mã như hiện nay.
Quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Anh Quê – Chủ tịch G6 Group nhận định, khi các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì phát triển thành quận, phía Tây, Đông Bắc, phía Nam tạo ra các khu đô thị vệ tinh sẽ giúp giãn dân cư. Năm 2025, quỹ nhà ở xã hội bắt đầu có sẽ ở tầm 4.000 căn trên quy mô chục dự án. Năm 2027 – 2029, quỹ căn nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300 nghìn căn.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Hà Nội xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hà Nội, thành phố phía Bắc dự kiến hình thành trên cơ sở điều chỉnh mở rộng không gian phát triển đô thị trên toàn bộ lãnh thổ huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn và một phần phía Tây đường Vành đai 4 thuộc địa giới hành chính huyện Mê Linh.
Có vị trí thuận lợi, có bán kính di chuyển hợp lý, thuận tiện kết nối giao thông với Thành phố trung tâm, với các tỉnh lân cận, đặc biệt là với quốc tế qua Sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, các tuyến đường bộ (Vành đai 2,3,3; Quốc lộ 18,5; Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường thủy sông Hồng).
Đây cũng là khu vực có điều kiện tự nhiên, hiện trạng bao gồm cảnh quan thiên nhiên như sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Thiếp, đầm Vân Trì và nhiều hồ lớn cùng hệ thống các công trình văn hóa, di tích lịch sử gắn với cảnh quan thiên nhiên, quỹ đất cây xanh nông nghiệp, lâm nghiệp (rừng), đồi núi… và đặc biệt còn nhiều quỹ đất chưa xây dựng có thể khai thác phát triển đô thị. Có sẵn cơ sở hạ tầng là các khu công nghiệp tập trung cơ bản đã được lấp đầy, các dự án lớn đã và đang triển khai: Smart city tại Đông Anh; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, sân golf…
Tài liệu phục vụ lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 của Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia cũng đưa ra tầm nhìn: xây dựng khu đô thị Mê Linh – Đông Anh trở thành vùng đô thị có môi trường sống chất lượng cao phía Tây Bắc đô thị trung tâm Hà Nội trên tuyến hành lang Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng;
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nhằm dịch chuyển dân cư từ khu vực nội đô tới các khu ở mới. Ưu tiên phát triển các khu nhà ở phục vụ khu công nghiệp. Hình thành các làng xóm và các khu dân cư kiểu mẫu gắn với vùng trồng hoa, cây cảnh. Phát triển đô thị Đông Anh trở thành đô thị vệ tinh, trung tâm hành chính thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao phía Bắc sông Hồng, đô thị hiện đại, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích Cổ Loa và đầm Vân Trì.
Bảo Thoa