Những ngã ba, ngã tư có vạch vàng, cùng với dòng chữ cảnh báo “chậm lại”, đang là sáng kiến hay giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở vùng nông thôn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Những ngã tư an toàn ở làng quê
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không ngừng sáng tạo, đưa ra hàng loạt mô hình hay để bảo đảm an toàn giao thông. Nhiều sáng kiến tuy đơn giản, nhưng lại cho hiệu quả thiết thực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông.
Đặc biệt, mô hình ngã tư an toàn với vạch vàng, cùng dòng chữ cảnh báo “chậm lại” tại xã Bình Trung (huyện Châu Đức) trở thành điểm sáng, được nhân rộng, nhằm bảo đảm an toàn giao thông tại các nút giao thông liên xã, liên huyện.
Như bao vùng quê khác, những con đường tại xã Bình Trung được thiết kế theo hình ô bàn cờ, nhiều ngã ba, ngã tư. Tại các nơi giao nhau này không có tín hiệu cảnh báo giao thông, người dân chủ quan khi đi lại nên đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông.
Trước thực trạng này, từ tháng 1/2024, Tổ dân vận Thôn 6 của xã Bình Trung đã triển khai mô hình dân vận khéo “Ngã tư an toàn trong khu dân cư” nhằm giúp giảm thiểu tai nạn.
Bà Phạm Thị Thùy Ân, Bí thư Chi bộ Thôn 6 (xã Bình Trung) cho biết, trước đây, người dân, nhất là trẻ em, thấy đường rộng, vắng, nên khi qua các ngã ba, ngã tư vẫn phóng nhanh, vượt ẩu. Trong thôn từng xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông, có những trường hợp bị thương nặng phải đi cấp cứu. Vì vậy, các thành viên Tổ dân vận thôn trăn trở và tìm phương án bảo đảm an toàn giao thông cho bà con.
Ban đầu triển khai mô hình “Ngã tư an toàn trong khu dân cư”, Tổ dân vận gặp không ít khó khăn trong công tác vận động nhân dân chung tay, chung sức thực hiện các phần việc, vì nhiều người cũng cho rằng phương tiện giao thông không nhiều, làm những vạch kẻ đường này lãng phí. Nhưng, sau một thời gian ngắn nỗ lực tuyên truyền, người dân trong thôn đã đồng tình hưởng ứng.
Vào những ngày cuối tuần, cán bộ và các hộ dân trong thôn lại đóng góp ngày công, xách xô sơn đi khắp các ngã đường để đo, kẻ vạch, sơn màu vàng cảnh báo đi chậm. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 10 triệu đồng, chưa kể ngày công, do cán bộ thôn, người dân tình nguyện đóng góp.
Đến nay, 21/21 ngã tư và ngã ba tại Thôn 6 đều có vạch kẻ cảnh báo giao thông và dòng chữ “chậm lại” màu vàng nổi bật. Khi đi đến những đoạn đường này, người dân chủ động giảm tốc độ, quan sát đường, giữ vững tay lái. Khoảng 2 tháng, cán bộ dân vận lại đi kiểm tra các vạch kẻ, nếu bị mờ sẽ cho sơn lại để người dân dễ nhận biết.
Nhân rộng mô hình ra toàn huyện, tỉnh
Bà Phạm Thị Thùy Ân cho biết, từ khi triển khai mô hình “Ngã tư an toàn trong khu dân cư”, các vụ va chạm giao thông trên địa bàn Thôn 6 giảm đến 90%. Người dân ai cũng phấn khởi, an tâm.
Còn ông Trịnh Minh Hùng, ở Tổ 46 phấn khởi chia sẻ: “Mô hình rất thiết thực, nhắc nhở bà con hãy đi chậm lại một chút để bảo đảm an toàn giao thông. Từ khi làm các vạch kẻ đường cảnh báo giao thông, ở tổ tôi chưa xảy ra vụ tai nạn nào”.
Anh Nguyễn Hoàng Xuân, người tham gia mô hình tự hào nói: “Khi mỗi người trong cộng đồng đều ý thức được trách nhiệm của mình sẽ tạo ra khác biệt lớn. Giờ mỗi khi đi qua các ngã tư, tôi không còn lo lắng như trước”.
Thành công của mô hình ngã tư an toàn không chỉ nằm ở con số thống kê về tai nạn giao thông giảm mạnh, mà còn ở sự thay đổi trong nhận thức của bà con lối xóm. Mỗi vạch kẻ vàng không chỉ là một cảnh báo giao thông, mà còn là kết quả của tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết chung tay vì một cộng đồng an toàn hơn.
Bà Phạm Thị Thùy Ân cho biết thêm: “Bên cạnh việc cảnh báo an toàn giao thông, chúng tôi còn tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tuân thủ luật giao thông để tự bảo vệ mình”.
Ông Đoàn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối vận xã Bình Trung cho biết, đây là mô hình mới, sáng tạo của Tổ dân vận Thôn 6, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, người dân đồng tình. Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho người dân, bảm bảo an toàn cho mọi người. Đồng thời, góp phần tạo thẩm mỹ cho các ngã ba, ngã tư, bộ mặt giao thông nông thôn thêm ngăn nắp, văn minh.
Với hiệu quả đó, từ ngày 1/8, Khối vận xã Bình Trung đã nhân rộng mô hình tại 5 thôn còn lại. Hiện tổ dân vận các thôn đang kẻ, sơn vạch cảnh báo giao thông, hướng dẫn đi chậm với mục tiêu hoàn thành tại hơn 200 ngã ba, ngã tư trong toàn xã.
Còn ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, mô hình “Ngã tư an toàn trong khu dân cư” không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn nâng cao ý thức tự giác của người dân. Bước đầu sáng kiến này đã giúp giảm va chạm, tai nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. UBND huyện đã có khen thưởng đột xuất xã Bình Trung về mô hình rất hay này.
“Từ thành công ban đầu, chúng tôi đã chỉ đạo các phường, xã khác trong huyện cũng như nhân rộng mô hình này kể từ tháng 8 và có báo cáo cụ thể về thường trực của Ban An toàn giao thông huyện. Khi cả cộng đồng cùng chung tay, những con đường làng giờ đây, bình yên, an toàn hơn”.
HA