Trong đợt xét duyệt lần này, với 32 cây – tỉnh Sơn La là địa phương có nhiều cây cổ thụ nhất được công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Ngày 17/5, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xem xét hàng loạt hồ sơ cây cổ thụ từ 6 tỉnh/thành phố trên cả nước đăng ký xét duyệt Cây Di sản Việt Nam. Theo đó có 50 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản. Cụ thể 6 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ xét duyệt Cây Di sản lần này gồm TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La và Khánh Hòa.
Trong đợt xét duyệt này có tỉnh Sơn La là địa phương đứng đầu danh sách về số lượng cây đủ điều kiện là Cây Di sản (với 32 cây); thành phố Hải Phòng xếp thứ hai (5 cây), xếp thứ 3 là tỉnh Yên Bái và Hòa Bình (mỗi nơi có 4 cây), thứ 4 là tỉnh Quảng Ninh (có 3 cây) và tỉnh Khánh Hòa (có 01 cây).
Tất cả những hồ sơ cây cổ thụ của tỉnh Sơn La gửi tới Hội đồng xét duyệt lần này đều thuộc huyện Mường La. Trong số 40 hồ sơ gửi về, chỉ có 32 cây được Hội đồng nhất trí công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam. Nhiều cây rất cao tuổi nhưng không hội đủ số thành viên biểu quyết thông qua, bởi thiếu thông tin hoặc chưa được cộng đồng địa phương mở rộng không gian sống cho cây.
Cụ thể, Hội đồng đã công nhận 06 cây quéo lá dài (01 cây của bản Nà Tòng; 02 cây ở Tiểu khu Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong) và 03 cây quéo lá dài khác ở bản Bâu, xã Nậm Păm; đồng thời đã công nhận một số cây Muỗm cổ thụ ở thị trấn này là Cây Di sản Việt Nam.
Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La là đơn vị đứng đầu của tỉnh Sơn La về số cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản trong đợt này (11 cây). Bởi ngoài 03 cây quéo lá dài kể trên, tại đây còn có 01 cây đa hơn 250 năm của bản Nà Nong và 03 cây muỗm hơn 300 năm ở bản Nà Tòng, 02 cây Me hơn 200 năm ở Tiểu khu Hua Ít và 02 cây muỗm hơn 200 năm ở Tiểu khu Phiêng Tìn.
Tại bản Bâu, xã Nậm Păm, huyện Mường La còn có cây Dâu rừng hơn 250 năm tuổi; chu vi thân 5,5 m được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Riêng xã Mường Bú, huyện Mường La có tới 7 cây cổ thụ đủ tiêu chí Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể là 02 cây muỗm hơn 150 năm ở Bản Chón và Bản Nà Xi, 01 cây nụ (hơn 100 năm) và 02 cây quéo lá dài hơn 150 năm. Hai cây đa hơn 400 năm của xã Mường Bú (01 cây ở bản Cứp và 01 cây bản Mường Bú) cũng lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này. Bên cạnh đó, xã Tạ Bú cũng có 03 cây lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam. Đó là cây tung hơn 400 năm, cây sấu hơn 500 năm ở bản Mòn và cây gạo hơn 200 năm ở bản Thẳm Hon.
Xã Hua Trai có ít số cây hơn xã Mường Bú nhưng hầu hết những cây cổ thụ ở đây đều to khổng lồ. Cây đa ở bản Pá Han hơn 200 năm, có chu vi thân tới 4,4 m; 02 cây tung ở bản Po gần 500 năm có chu vi thân tới hơn 10m, cao gần 40m. Đặc biệt, có cây sấu hơn 600 năm ở bản Ỏ có chu vi thân hơn 15m. Tại đây còn có cây quéo lá dài hơn 250 năm, chu vi thân hơn 4m và cây tung gần 400 năm ở bản Lè, có chu vi thân 11,3m .
Xã Nặm Păm, huyện Mường La xếp thứ hai trong danh sách lần này, với 8 cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Cụ thể là cây chò xanh gần 500 năm, 02 cây đa tía 500 năm ở bản Ít, 01 cây Muỗm hơn 100 năm ở bản Hốc và 04 cây quéo lá dài ở bản Bâu.
Tại Hải Phòng, trong số 5 cây được công nhận Cây Di sản có 04 cây đa hơn 200 năm ở Chùa Hương Sơn, thôn Trại Kênh, xã Đại Bản, huyện An Dương, 01 cây si trên 500 năm ở miếu Đống Trúc, thôn Chanh Chử 2, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo.
Tại tỉnh Yên Bái, cả 04 cây đủ điều kiện công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này đều là cây rừng ở thuộc bản Nả Háng, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Cụ thể là 01 cây pơ mu trên 700 năm, chu vi thân tới 4,6 m và 03 cây thiết sam Đông Bắc từ 500 đến 700 năm, có chu vi thân từ 4.,2 đến 5,7 m.
Tại tỉnh Hoà Bình, trong số 04 được công nhận Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này, có 03 cây vải cổ thụ khoảng 300 năm, đường kính thân tới hơn 1m của Homestay Hải Thạn và trong vườn nhà của người dân ở xóm Chiến, xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Cây còn lại là cây cuối (một loài Gội) trên 250 năm, có chu vi thân 8m, cao 60m, tại xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc.
Tại tỉnh Quảng Ninh, cả 3 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam lần này đều ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Đó là cây đại hoa trắng và 02 cây chay đều hơn 400 năm tuổi.
Tại tỉnh Khánh Hoà, chỉ có 01 cây được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đó là cây bàng hơn 150 năm, có chu vi thân tới 4,5 m, thuộc khuôn viên đình Bích Đầm, tổ dân phố Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Như vậy, trong tổng số 50 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam lần này đã có thêm 5 loài thực vật mới đó là cây quéo lá dài; cây dâu rừng (dâu quả dài); cây chay, cây thiết sam Đông Bắc và cây gội. Qua hoạt động này cho thấy việc chăm sốc, gìn giữ cây cổ thụ, Cây Di sản có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của người dân đồng thời lan toả thêm nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý báu, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường thiên nhiên.