Thay vì tổ hợp môn truyền thống có Toán, Lý, Hóa, Sinh, nhiều trường sử dụng Ngữ văn để tuyển khối ngành sức khỏe – gây ra những ý kiến trái chiều.
Dùng Ngữ văn tuyển ngành y
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu 1.530 sinh viên. Có hai điểm mới trong đề án tuyển sinh của trường năm nay. Thứ nhất, trường gộp các mã TP/TQ thành một mã cho từng ngành đào tạo. Tức là, nhà trường không chia chỉ tiêu từng ngành cho thí sinh có hộ khẩu TPHCM và các tỉnh, thành còn lại như trước đây.
Bên cạnh đó, ngoài tổ hợp xét tuyển truyền thống B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), bổ sung thêm 2 tổ hợp xét tuyển gồm: Ngành Điều dưỡng dùng thêm tổ hợp B03 (Toán, Sinh học, Ngữ văn), ngành Kỹ thuật hình ảnh, Khúc xạ nhãn khoa thêm tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học). Riêng ngành Y tế công cộng xét tuyển cả ba tổ hợp.
Trước Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhiều trường đại học ngoài công lập cũng đưa thêm môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển các ngành thuộc khối sức khỏe. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Văn Lang (TPHCM), ngoài tổ hợp truyền thống là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), ngành Y khoa có thêm tổ hợp xét tuyển D12 (Ngữ văn, Hóa học, Tiếng Anh) và ngành Điều dưỡng có thêm tổ hợp C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh học).
Tại Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), ngành Y khoa xét tuyển với 4 tổ hợp B00; A02 (Toán, Sinh học, Vật lý); B03 (Toán, Sinh học, Ngữ văn); D08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh). Ngành Dược học, ngoài tổ hợp B00; A00 (Toán, Hóa học, Vật lý); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh), nhà trường sử dụng tổ hợp C02 (Toán, Hóa học, Ngữ văn).
Trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) cũng xét thêm tổ hợp B03 (Toán, Sinh, Ngữ văn) và A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn) cho ngành Dược và Điều dưỡng; thêm tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn) cho ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt.
Ngoài ra, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng xét tuyển tổ hợp B03 (Toán, Sinh học, Ngữ văn) cho ngành Quản lý bệnh viện; Trường Đại học Công nghệ TPHCM xét thêm tổ hợp C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh học), S07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh) cho các ngành Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Việc các trường đưa vào danh sách tổ hợp xét tuyển có môn Ngữ văn hoặc Tiếng Anh để tuyển sinh khối ngành khoa học sức khỏe gây ra sự chú ý với phụ huynh, học sinh. Nhiều người cho rằng, ngành Khoa học sức khỏe cần các môn mang tính truyền thống như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Việc xuất hiện các môn Khoa học xã hội, Ngoại ngữ là bất thường, có thể không đảm bảo được chất lượng đầu vào.
Bổ sung là cần thiết
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho hay, các ngành thuộc khối sức khỏe gồm Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng được thực hiện xét tuyển với 4 tổ hợp môn: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); B00 (Toán, Hóa học, Sinh học); C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh học); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).
Có thể thấy, song song với 2 tổ hợp môn truyền thống A00 và B00, HUTECH sử dụng thêm 2 tổ hợp môn mới C08, D07. Tuy nhiên, điểm chung của các tổ hợp mới là đều có môn Hóa học hoặc Hóa học – Sinh học, vốn là nền tảng quan trọng của khối ngành sức khỏe.
“Bổ sung các tổ hợp môn mới này trước hết nhằm mở rộng cơ hội, tăng thêm lựa chọn cho thí sinh trước ngành học yêu thích. Bên cạnh đó, môn học như Văn, Tiếng Anh cũng là những tiêu chí cần thiết, vì bên cạnh khối lượng kiến thức chuyên môn, để làm việc tốt trong khối ngành sức khỏe ngày nay phải đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ cũng như khả năng thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia và lan tỏa giá trị nhân văn của lĩnh vực đặc thù này”, bà Dung nói.
Tại Trường Đại học Văn Lang, năm nay ngoài tổ hợp truyền thống là B00, ngành Y khoa thêm tổ hợp D12 (Văn, Hóa học, Tiếng Anh) và ngành Điều dưỡng thêm tổ hợp C08 (Ngữ văn, Hóa học, Sinh học). TS Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc chọn thêm các môn này do các khoa đưa lên và thực hiện theo đúng tiêu chí nhà trường đưa ra là bắt buộc phải có môn Toán hoặc môn Ngữ văn, các môn khác do khoa chọn sao cho phù hợp thực tế đào tạo.
Lý giải việc đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ở nhiều ngành khoa học sức khỏe, lãnh đạo một số trường đại học cho rằng, việc này nhằm đào tạo ra những bác sĩ, cử nhân điều dưỡng, dược sĩ… không chỉ giỏi chuyên môn, mà có khả năng truyền đạt, thông cảm, chia sẻ với người bệnh.
TS Lê Bá Thường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp ủng hộ các trường đại học có sự đổi mới, dám mạnh dạn phá vỡ các môn truyền thống bắt buộc khi xét tuyển ngành học đặc thù như khoa học sức khỏe và một số ngành khác.
Điều này không chỉ phù hợp với sự đổi mới và sáng tạo về giáo dục và đào tạo để bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội hóa giáo dục; phù hợp với tính chất tự chủ của các trường đại học mà nó còn tuân theo sự chỉ đạo phương thức xét tuyển theo Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH ngày 26/4/2024 của Bộ GD&ĐT.
Theo TS Thường, phá vỡ tổ hợp môn truyền thống để xét tuyển vừa là cơ hội với người học vừa là thách thức với cơ sở đào tạo. Đây là cơ hội với người học bởi khi các cơ sở giáo dục thay đổi môn trong tổ hợp môn xét tuyển sẽ tạo điều kiện cho nhiều người học ở những khối phân ban khoa học xã hội, khoa học tự nhiên thuộc chương trình THPT có nhiều cơ hội tham gia xét tuyển để được học ngành mình yêu thích, tạo ra nguồn nhân lực mở rộng cho xã hội.
Tuy nhiên, đổi mới, phá vỡ môn trong tổ hợp xét tuyển cũng tạo ra sự thách thức với các cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo bởi khi người học trúng tuyển với nhiều tổ hợp môn xét tuyển khác nhau thì kiến thức và năng khiếu ở mỗi cá nhân khác nhau nhưng cùng học chung một ngành nghề thì kiến thức và năng khiếu không đồng đều. “Dù vậy, tôi vẫn ủng hộ tư duy đổi mới và sáng tạo về các môn trong tổ hợp xét tuyển ngành học để có bước đột phá trong giáo dục, đào tạo”, ông Thường nói.
ThS Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, nếu các trường đại học tư thục xét tuyển theo hướng phá vỡ truyền thống, ví dụ như đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển với ngành Điều dưỡng, Y khoa nhưng chất lượng không đảm bảo, cần phải xem lại chương trình đào tạo của mình. Ông Sơn nhận định, đây có thể là việc làm nhằm hút sinh viên chứ không phải xét tuyển sai đối tượng.