Sau khi công bố điểm trúng tuyển vào lớp 10, nhiều trường THPT đã chủ động họp phụ huynh để tư vấn hướng nghiệp, lựa chọn tổ hợp…
Qua đó giúp học sinh chọn đúng và trúng năng lực, sở thích; phù hợp điều kiện tổ chức giảng dạy của nhà trường.
Hướng nghiệp sớm
Tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), sau khi công bố điểm chuẩn, Trường THPT Hương Khê đã thông báo đến phụ huynh, học sinh trúng tuyển thông tin nhập học và lịch họp. Theo đó, trường chia ra 3 buổi họp phụ huynh để tránh quá tải, đồng thời tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh sát sao nhất.
Thầy Hồ Đức Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê cho biết: “Để phụ huynh, học sinh hiểu về chương trình học, cách lựa chọn tổ hợp đúng, nhà trường bám sát Chương trình GDPT 2018. Việc chọn tổ hợp rất quan trọng do đó chúng tôi triển khai sớm để cha mẹ và học sinh cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn. Cùng đó, chúng tôi chia sẻ, phân tích những vướng mắc mà học sinh, phụ huynh gặp phải trong quá trình lựa chọn tổ hợp để từ đó định hướng sau khi tốt nghiệp THPT sẽ lựa chọn học nghề hay đại học, cao đẳng”.
Những năm qua, để học sinh, phụ huynh hiểu hơn việc lựa chọn tổ hợp ở lớp 10, sau khi công bố danh sách trúng tuyển, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội) đã thông báo đến phụ huynh cách lựa chọn tổ hợp cũng như nội dung Chương trình GDPT 2018. Từ đó, phụ huynh, học sinh có thời gian nghiên cứu sâu về chương trình.
Khi phụ huynh, học sinh đã nắm bắt thông tin, hiểu các tổ hợp nhà trường xây dựng, nhà trường tổ chức hội thảo, mời phụ huynh, chuyên gia và thầy cô có kinh nghiệm trong trường tư vấn, giải đáp những thắc mắc thường gặp.
Cô Đoàn Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho biết: “Tháng 7 hằng năm, chúng tôi tổ chức hội thảo tư vấn chọn tổ hợp cho học sinh đầu cấp và mời phụ huynh, học sinh tham gia. Đội ngũ giáo viên giảng dạy và chủ nhiệm lớp 10 sẽ trực tiếp tư vấn. Từ đó, phụ huynh và học sinh cân nhắc trong quá trình lựa chọn. Chúng tôi luôn nhấn mạnh lựa chọn tổ hợp phải phù hợp năng lực, sở trường, tránh chạy theo đám đông hay mong muốn của bố mẹ mà ảnh hưởng đến kết quả học tập, hướng nghiệp sau này của các em”.
Không để bị động
Sau khi con trúng tuyển vào lớp 10, chị Võ Thị Phương (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cùng con nghiên cứu các tổ hợp dự kiến đăng ký. Mặt khác, chị khuyên con gặp gỡ anh chị học sinh khóa trên để nhờ tư vấn về chương trình học, cách đăng ký tổ hợp. Chị Phương nói: “Khi cha mẹ, học sinh chủ động nghiên cứu cộng thêm sự cố vấn của nhà trường thì việc lựa chọn tổ hợp sẽ không bị động. Con học chương trình mới nên càng cần nghiên cứu kỹ để có lựa chọn đúng đắn nhất”.
Với đặc thù trường dân tộc nội trú (DTNT), sau khi có kết quả trúng tuyển Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hoá (Thanh Hoá) đã thông báo đến phụ huynh và học sinh chương trình giảng dạy, các hoạt động giáo dục, ngoại khoá, tổ chức ăn ở, sinh hoạt nội trú tại trường học.
Thầy Lê Đình Thuật – Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: “Trong thông báo, chúng tôi hướng dẫn các em cách xây dựng thời khoá biểu, thời gian tự học. Đặc biệt, ban giám hiệu còn cử giáo viên liên lạc trực tiếp để tư vấn cho học sinh các tổ hợp mà nhà trường xây dựng, cách lựa chọn tổ hợp sao cho phù hợp mong muốn, năng lực, sở trường và thế mạnh các em đang có”.
Cũng theo thầy Thuật, sau khi nhận đơn nhập học, nhà trường tiến hành tổng hợp, rà soát lại điểm học bạ THCS, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 của học sinh để tư vấn lần nữa sao cho sát nhất với năng lực. Học được 1 – 2 tuần, trường sẽ thực hiện bài thi khảo sát kết hợp điểm học bạ, điểm thi vào lớp 10 để tư vấn cho học sinh thêm lần nữa. Ví dụ: Học sinh muốn theo tổ hợp D00 nhưng môn Ngữ văn chỉ được 4 điểm, thầy cô sẽ căn cứ vào điểm học bạ môn Toán, Vật lý, Sinh học, Hoá học để định hướng các em xem lại cách lựa chọn tổ hợp.
“Nếu học sinh vẫn nhất quyết lựa chọn tổ hợp đó, chúng tôi hỗ trợ các em xây dựng kế hoạch học tập, bù lấp kiến thức môn đang yếu trong tổ hợp”, thầy Thuật nhấn mạnh.
Tương tự, với Trường THPT Hương Khê, trong đơn nhập học, nhà trường yêu cầu học sinh phải đưa ra hai nguyện vọng. Trên cơ sở đó cộng thêm kết quả thi, nhà trường sẽ sắp xếp các em vào nhóm tổ hợp; phân công giáo viên chủ nhiệm tiếp tục hướng nghiệp cho học sinh, tập trung xây dựng kế hoạch học tập các môn học, hoạt động ngoại khoá để đảm bảo năng lực.
“Xây dựng chiến thuật hướng nghiệp, xu thế nghề nghiệp tương lai cho học sinh. Bên cạnh đó, chương trình hướng nghiệp phải điều chỉnh theo nhóm tổ hợp. Ví dụ tổ hợp có các ngành thế nào? Học sinh có xu thế theo học ngành Y, dược chẳng hạn thì nhà trường hướng nghiệp theo chiều hướng khác trên cơ sở chương trình của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh như đến bệnh viên thăm quan, mô hình chống dịch hay những phẩm chất ngành y phải có”, thầy Hồ Đức Cương nói.
Nhờ tư vấn sớm, học hết năm lớp 10, học sinh của trường đã ổn định tổ hợp lựa chọn, tập trung vào việc học, xây dựng chiến thuật học để đạt được mục tiêu mà các em đưa ra sau khi tốt nghiệp THPT. – Thầy LÊ VĂN THUẬT (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hoá)