Rẽ sang học tại các trường nghề (cao đẳng, trung cấp) hệ 9+ là một trong những hướng đi khác khá linh hoạt ngoài vào lớp 10 công lập.
Năm nay, để “hút” thí sinh, các trường tiếp tục có các chương trình ưu đãi học phí, học bổng hấp dẫn.
Nhiều ưu đãi, học bổng hấp dẫn
Quyết tâm lựa chọn rẽ hướng sang học trường nghề để nhanh chóng có việc làm thay vì vào đại học, Huỳnh Minh Nhật (học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, chọn hướng đi phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. “Ngành điện – điện tử là đam mê từ nhỏ của em. Vì đó, em quyết định nộp hồ sơ đăng ký vào Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn để học ngành này”, Minh Nhật tâm sự.
Ông Lâm Gia Huy – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cho hay, những ngày gần đây có khá nhiều phụ huynh, học sinh đến trường để tìm hiểu và nộp hồ sơ học hệ 9+. “So với mọi năm thì tình hình các em đến nhập học có phần trầm lắng hơn nên năm nay nhà trường cũng có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn và những cách học linh hoạt trong quá trình đào tạo, để thu hút thí sinh theo học”, ông Huy nói.
Cụ thể, theo ông Lâm Gia Huy, trong học kỳ I năm đầu tiên nhà trường ưu đãi giảm 20% học phí cho tất cả học sinh đăng ký nhập học tại trường. Thêm vào đó, với học sinh có học lực giỏi, nhà trường giảm thêm 30% học phí, học sinh xuất sắc được giảm 50% học phí. “Các em nếu duy trì học lực giỏi trong quá trình học tập thì vẫn sẽ được trường giảm học phí trong những học kỳ tiếp theo”, ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, nếu học sinh là con của giáo viên trong trường, học sinh thuộc diện gia đình chính sách… sẽ được giảm ngay 50% học phí trong năm đầu tiên. Học sinh có anh/chị đang là học sinh của trường thì cũng được giảm 20% học phí toàn khóa học.
Tương tự, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã dành 35%, tương ứng 600 chỉ tiêu trong tổng số 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh học sinh học hệ 9+. ThS Dương Công Hiếu – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường giảm 100% học phí toàn khóa với học viên là bộ đội xuất ngũ từ Trường Sa, giảm 70% học phí toàn khóa với bộ đội xuất ngũ từ các đơn vị khác. “Đặc biệt, Quỹ tín dụng Đại Việt với 15 tỷ đồng sẵn sàng hỗ trợ cho người học vay vốn học tập với lãi suất 0%, đảm bảo tỷ lệ việc làm đạt 90% – 100% sau khi tốt nghiệp”, ông Hiếu thông tin.
Tương tự, TS Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM cho biết, học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề tại trường sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nếu nhập học sớm. Các em có học lực khá, giỏi sẽ được tặng học bổng, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng; cam kết đầu ra đúng ngành học với mức lương dao động 8 – 15 triệu đồng/tháng…
Các trường khác như Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn, Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM… cũng có hàng loạt chương trình ưu đãi, tặng học bổng để thu hút thí sinh theo học.
Những năm gần đây, xu hướng thí sinh đăng ký vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng cao. Để đảm bảo đầu ra cho người học, nhiều cơ sở giáo dục chủ yếu đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đồng thời hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 381/KH-UBND về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Thành phố đặt mục tiêu cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, gắn kết chặt chẽ với đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.
Cụ thể, có 8 nhóm ngành nghề trọng điểm cần được tập trung đầu tư gồm: Công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính – ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị… Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87%…
Xuất ngoại, lĩnh lương sớm…
Ngoài xu hướng học nghề ngay trong nước, nhiều thí sinh khá quan tâm đến việc xuất ngoại để học nghề và làm việc. Vì vậy, các trường cao đẳng, trung cấp nghề cũng tổ chức liên kết để tìm kiếm các khóa học hấp dẫn cho học sinh.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Long Thành, Đồng Nai) đã khai giảng khóa đào tạo trung cấp nghề cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức. Khóa đào tạo thuộc khuôn khổ Chương trình cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển (PAM) với 11 sinh viên nghề cắt gọt kim loại. Hiện, trường tuyển sinh các ngành điện tử công nghiệp, cơ điện tử, cơ khí xây dựng, cắt gọt kim loại CNC, công nghệ hàn (50 chỉ tiêu/ngành) với cam kết 100% việc làm tại Đức, mức lương từ 2.800 – 3.000 euro/tháng, làm việc sau 5 năm được cấp thẻ thường trú dài hạn…
ThS Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, cho biết: Nhà trường đã ký kết hợp tác với trường đại học ở Đài Loan để tuyển sinh và đào tạo một số ngành học trong lĩnh vực bán dẫn và tài chính ở bậc cao đẳng dành cho học sinh tốt nghiệp THPT và THCS (hệ 9+). Cụ thể, các ngành đào tạo bao gồm: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, lập trình máy tính, quản trị mạng máy tính, kế toán doanh nghiệp, với tổng số 100 chỉ tiêu (cao đẳng tốt nghiệp THPT là 50 chỉ tiêu và cao đẳng 9+ có 50 chỉ tiêu).
“Sinh viên học xong được cấp bằng cao đẳng. Văn bằng này được các trường đại học tại Đài Loan công nhận và sinh viên được nhận học bổng toàn phần (học bổng INTENSE), học 2 năm để lấy bằng đại học chính quy tại Đài Loan”, ThS Lý thông tin.
Theo ThS Nguyễn Đăng Lý, chính sách học bổng INTENSE khi sang Đài Loan học bao gồm: Hỗ trợ 1 vé máy bay (tối đa 9.000 Đài tệ, tương đương 7 triệu đồng) và phí làm giấy tờ 10.000 Đài tệ (khoảng 7,8 triệu đồng); miễn phí 100% học phí cho năm đầu tiên học tại Đài Loan, các chính sách của năm thứ 2 căn cứ vào học lực của năm nhất.
Ngoài ra, sinh viên sẽ được ở ký túc xá miễn phí 100% và được nhận sinh hoạt phí 10.000 Đài tệ/tháng (7,8 triệu đồng) trong 10 tháng đầu tiên. Năm thứ hai sinh viên được công ty trả lương thực tập khoảng 27.470 Đài tệ/tháng (tương đương 21,5 triệu đồng). Sinh viên cũng có thể đi làm thêm (tối đa 20 giờ/tuần) với mức thù lao 183 Đài tệ (khoảng 140 nghìn đồng/giờ).
Số liệu từ Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) năm 2024 cho thấy, cơ quan này đề ra mục tiêu đào tạo trên 2,4 triệu lao động có bằng cấp, chứng chỉ nghề cho 1.880 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước. Trong đó, các ngành nghề mới được tập trung như: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, logistics, đường sắt cao tốc…