Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 10/7/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu là triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra.
Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Kế hoạch đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về thu hút đầu tư phát triển: Nghiên cứu, triển khai chương trình hỗ trợ nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn; tiếp tục kêu gọi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng rừng kinh tế, phát triển du lịch, lắp ráp ô tô,… Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp như: cấp điện, nước, đường giao thông; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ đề ra. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính…
Về phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng hệ thống các trường học và đội ngũ giáo viên, học sinh; phát triển thị trường lao động theo hướng ưu tiên phát triển lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo; củng cố chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp; tập trung ưu tiên hỗ trợ đào tạo doanh nhân, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết hợp với các cơ sở đào tạo nghề thực hiện các chương trình và hình thức đào tạo, đào tạo lại gồm cả nâng cao kỹ năng tác nghiệp hướng tới tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm đáp ứng tình hình mới…
Về phát triển khoa học và công nghệ: Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế của địa phương theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển cách mạng công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số,…
Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua công cụ chính sách tín dụng, thuế, trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội đối ứng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách nhà nước tài trợ một phần kinh phí; ưu tiên đầu tư ngân sách để nâng cao năng lực các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm…
PV