Top 10 công ty chứng khoán gồm: VPS, SSI, TCBS, VNDIRECT, HSC, Vietcap, MBS, Mirae Asset, VCBS và KIS có tổng thị phần môi giới tới 68,11%.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo lớn nhất trong quý II/2024 gồm: VPS, SSI, TCBS, VNDIRECT, HSC, Vietcap, MBS, Mirae Asset, VCBS và KIS, với tổng thị phần tới 68,11%.
So với quý I/2024, top 10 thị phần quý II không có nhiều xáo trộn, chỉ ghi nhận sự trở lại của KIS thay thế FPTS ở vị trí cuối. Tuy nhiên, thị phần của từng công ty có sự biến động đáng kể.
Cụ thể, cái tên dẫn đầu là VPS bất ngờ thu hẹp đáng kể, giảm từ 20,29% trong quý I xuống còn 18,16% trong quý II này. Đây là mức thấp nhất trong 1 năm của VPS.
Tương tự, thị phần của SSI, Vietcap, Mirae Asset, MBS và VCBS cũng ghi nhận giảm nhẹ so với quý đầu năm nay.
Chiều ngược lại, thị phần của TCBS cải thiện tốt, tăng từ 6,56% lên 7,45%. Thị phần VNDirect cũng mở rộng, từ 6,01% tại quý I lên mức 6,46% trong quý II/2024. Theo sau HSC cũng cải thiện nhẹ.
Tính chung nửa đầu năm 2024, top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có đảm bảo trên HoSE vẫn là những cái tên quen thuộc với tổng thị phần 68,59%. Trong đó, VPS vẫn chiếm thị phần 19,19%, SSI chiếm thị phần 9,32%…
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua được nửa chặng đường của năm 2024, VN-Index dừng ở mức 1.245,32 điểm tại phiên giao dịch 28/6. Tuy lần lượt giảm 2,86% theo tuần, 1,3% theo tháng và 3,02% theo quý, nhưng so với cuối 2023, VN-Index vẫn tăng 10,21%. Tháng 6, VNIndex cũng ghi nhận phiên giao dịch vượt 1.300 điểm nhưng cũng nhanh chóng đánh mất mốc này trong những phiên sau đó.
Về thanh khoản, bình quân toàn thị trường quý II/2024 đạt 25.735 tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý I và tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Kể từ đầu năm, thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt 25.346 tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm 2023 và tăng 85,7% so với cùng kỳ. Điểm đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm 2024 chính là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 6 tháng, khối ngoại bán ròng 5.621 tỷ đồng – khoảng 2 tỷ USD. Đây là mức bán ròng cao nhất tính từ 2011 trở lại đây (nếu tính nửa đầu năm). Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại không quá lớn như những năm trước (khoảng 19%), nhưng hành động bán ròng liên tục và tập trung vào những nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cũng phần nào gây ra sức ép nhất định cho thị trường.
Theo chuyên gia của SSI Research, mốc 1.300 điểm trên VN-Index thực tế chỉ là ngưỡng cản tâm lý, trong khi nhiều cổ phiếu thành phần đã tăng lên vùng cao lịch sử. Sau một đợt tăng khá dài, thị trường chứng khoán cũng cần cân bằng và tích lũy lại trong ngắn hạn, cũng như chờ đợi các triển vọng phục hồi rõ nét hơn từ các động lực tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp trong những quý cuối năm.
Bên cạnh đó, áp lực rút vốn từ dòng vốn ngoại cũng được chờ đợi sẽ giảm dần để thêm cơ hội cho chỉ số VN-Index có thể tiến lên vùng điểm số cao hơn một cách bền vững.
Chuyên gia SSI cũng đánh giá, với thực lực của nền kinh tế Việt Nam, nếu được phát huy tối đa các cơ hội đang có và có thể hạn chế hiệu quả những rủi ro tiềm ẩn, sẽ là điều kiện rất tốt cho triển vọng thị trường trong trung và dài hạn, đem lại tiềm năng thành công lớn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư từ bên ngoài.
“Dù trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, bao gồm cả những yếu tố bất định của nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu, nhưng với sự quyết tâm hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ, thị trường sẽ tiếp tục vững bước trong chu kỳ đi lên”, chuyên gia SSI Research đánh giá.