Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn cầu đang gặp tình trạng tắc nghẽn ở mức đỉnh điểm trong vòng 18 tháng qua, trong đó tình hình đặc biệt phức tạp ở một số cảng châu Á. Điều này cho thấy tác động kéo dài của tình trạng gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, hệ lụy từ các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở vùng biển này.
Theo số liệu thống kê của Hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica, 60% trong số các tàu đang chờ cập cảng thuộc khu vực châu Á. Trong đó, cảng container của Singapore (cảng lớn thứ hai thế giới) đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19. Điểm nóng tắc nghẽn này đã và đang gây hiệu ứng domino tới một loạt cảng biển tại các nước châu Á. Không chỉ khiến gần một nửa số tàu container đi hướng Tây Á – châu Âu và châu Á – Bắc Âu không thể khởi hành đúng giờ, tình trạng tắc nghẽn còn khiến các hãng tàu nước ngoài liên tục tăng phụ phí để bù đắp chi phí chờ cập cảng.
Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) cho biết, hiện thời gian chờ trung bình để tàu container cập bến là từ 2-3 ngày, so với thông thường là chưa đầy một ngày. Còn theo số liệu của Linerlytica và hãng cung cấp dữ liệu vận tải biển theo thời gian thực PortCast, thời gian chờ đợi có thể lên tới một tuần. Do tình trạng tắc nghẽn lâu, một số tàu đã buộc phải từ bỏ việc ghé cảng ở Singapore, chuyển sang cảng ở các nước láng giềng, đặt ra sức ép lớn hơn cho nhà quản lý cảng ở các nước như Malaysia và Trung Quốc. Mặc dù giới chức cảng của các nước này cũng đang đưa ra các phương án dự phòng, song cũng không thể “một sớm một chiều” giải quyết được tình trạng chờ đợi.
Số tàu container chờ cập cảng Port Klang và Tanjung Pelepas của Malaysia đã tăng, thời gian chờ tại các cảng ở Trung Quốc cũng tăng lên. Trong đó, bận rộn hơn cả là cảng Thượng Hải và Thanh Đảo với số lượng tàu chờ cập cảng xếp hàng dài. Tình trạng tắc nghẽn tương tự cũng đang xảy ra tại các cảng ở Địa Trung Hải. Theo đó, hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch cho biết sẽ bỏ qua 2 hải trình từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến các cảng ở châu Âu từ đầu tháng 7.
Trong khi đó, các công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế cho rằng, mùa vận tải biển cao điểm hàng năm đã đến sớm hơn dự kiến, làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn. Theo hãng cung cấp dịch vụ vận tải biển Dimerco, mùa cao điểm thường bắt đầu từ tháng 6, nhưng năm nay từ tháng 5. Freightos – nền tảng đặt chỗ và thanh toán toàn cầu cho vận tải hàng hóa quốc tế cho biết, các hoạt động nhập khẩu hàng hóa lưu kho từ châu Á vào châu Âu đang có dấu hiệu bước vào mùa cao điểm, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Thực tế, giá cước vận tải biển tăng phi mã ngay từ tháng 5, sau thời gian ổn định trong tháng 4. Tình hình căng thẳng đến mức, các hãng tàu lớn hiện chỉ báo giá theo tuần, giá cước thậm chí có thể thay đổi từng ngày, thay vì báo giá từ 15 ngày đến 1 tháng như trước đây.
Biển Đỏ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông thương mại toàn cầu khi chiếm gần 1/3 tổng lưu lượng container và khoảng 12% giao thương hàng hóa trên thế giới. Giới phân tích cảnh báo, không được kiểm soát tình hình an ninh trên Biển Đỏ sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí vận chuyển leo thang kéo theo nguy cơ tăng giá đối với người tiêu dùng trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát.